Đây là sự kiện lớn và duy nhất về vận tải hàng không, được Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics VN (VLA) phối hợp cùng Cục Hàng không dân dụng VN (CAAV) tổ chức hai năm một lần. Sự kiện quy tụ hơn 400 doanh nghiệp, 50 gian hàng của các đơn vị sử dụng và cung cấp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế.
Một trong 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho biết trong 15 loại hình vận tải của nước ta hiện nay, đường hàng không chiếm tỷ phần thấp nhất. Theo số liệu thống kê năm 2018, lượng hàng hóa vận chuyển thông qua đường hàng không tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,23% tổng thị phần, đường bộ chiếm tỷ trọng cao nhất với 93%. Tuy nhiên với đặc thù vận chuyển hàng hóa giá trị cao, quãng đường dài trong thời gian nhanh, cùng với tốc độ phát triển hàng không "nóng" như hiện nay, vận chuyển hàng hóa bằng máy bay có tiềm năng rất lớn. Dự đoán đến năm 2035, hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là cơ hội cho hàng hàng không, doanh nghiệp logistics hàng không phát triển.
Đồng tình, ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển logistics hàng không lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên hạ tầng mặt đất đang là một trong những thách thức lớn nhất vì hiện Việt Nam chỉ có 2 sân bay là Nội Bài và Tân Sơn Nhất có ga hàng hóa chuyên dụng, đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, nhân lực được đào tạo phục vụ trong lĩnh vực logistics hàng không vẫn còn khan hiếm. Do đó, cần có một chiến lược bài bản và sự liên kết hợp tác chặt chẽ với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để thật sự phát huy hết tiềm năng của ngành vận tải này.
Coi khách hàng là trọng tâm
Tham dự hội nghị với vai trò là một trong những nhà tài trợ chính và là doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn ITL có bài tham luận với chủ đề “Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong nỗ lực trở thành logistics HUB của khu vực”, ông Trần Tuấn Anh (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ITL) cho rằng, thử thách lớn nhất là làm sao các doanh nghiệp logistics nội địa có thể tham gia vào chuỗi giá trị logistics toàn cầu. “Đây là câu hỏi mà các đơn vị logistics Việt Nam cần trả lời", ông Tuấn Anh đặt vấn đề và phân tích chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam trên con đường trở thành logistics HUB của khu vực.
"Trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế lớn tìm địa chỉ mới cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thay cho Trung Quốc. Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành điểm đến hàng đầu. Yếu tố quan trọng nhất là dữ liệu khách hàng, dữ liệu thị trường. Chúng ta cần phải coi khách hàng là trọng tâm, để có hướng thúc đẩy làm sao đáp ứng yêu cầu của các khách hàng, đưa ra giải pháp tốt nhất cho họ. Phải giúp họ lý giải được tại sao họ chọn HUB này mà không phải HUB khác. Chẳng hạn như Samsung, vì sao họ chọn Việt Nam làm HUB mà không phải nơi khác… Để làm được điều đó, Việt Nam cần sự hỗ trợ từ các nhà vận chuyển tầm cỡ quốc tế như Hồng Kông, tạo ra một thị trường năng động, hỗ trợ công ty vận chuyển phát triển, nâng cao công suất, tăng cường độ tin cậy…." - ông Tuấn Anh hiến kế.
Bình luận (0)