Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc Cách mạng 4.0?

25/01/2019 15:48 GMT+7

Nhận thức được cơ hội to lớn từ nền công nghiệp 4.0 nhưng chúng ta vẫn chưa có được sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng này.

"Nóng" trong chủ trương...
Đầu tháng 5.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 16 khẳng định cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và chỉ đạo bộ máy của Chính phủ, đặc biệt là các bộ ngành liên quan, từ nay đến năm 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp để tận dụng tối đa lợi thế của Việt Nam khi tham gia cuộc cách mạng này.
Ngày 24.1, trong buổi đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong cách mạng 4.0” diễn ra tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Cách mạng Công nghiệp 4.0 không chỉ là về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về chính sách. Việt Nam đã khởi động Chương trình “Made in Viet Nam 4.0”, đây là sáng kiến thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa trên chính sách mới, tư duy quản lý mới và những công nghệ mới. Thủ tướng đã kêu gọi các doanh nghiệp quốc tế "Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam” bởi “Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”.
...nhưng thực tế còn "nguội"
Chủ trương như vậy nhưng thực tế, nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ vẫn chưa thật sự sẵn sàng. Minh chứng rõ nhất là hoạt động của các ứng dụng gọi xe công nghệ. Uber, Grab có thể coi là những cái tên mở màn cho sự thâm nhập của mô hình kinh tế chia sẻ, của cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam. Tiện lợi, giá cả phải chăng, loại hình dịch vụ hoàn toàn mới này không hề tốn nhiều thời gian để thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng buộc phải thay đổi mô hình quản trị, tự vận động áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng để cạnh tranh. Rõ ràng sự tham gia của công nghệ đã thay đổi hoàn toàn "bộ mặt" ngành vận tải Việt Nam và bản thân người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định sẽ có các chính sách tích cực hỗ trợ mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ mới như Grab, Uber
Thế nhưng đã hơn 2 năm nghiên cứu với 6 lần chỉnh đi sửa lại, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được một khung pháp lý rõ ràng cho mô hình gọi xe mới này. Sự chậm trễ về chính sách là nguyên nhân gây ra nhiều xáo động trong môi trường kinh doanh vận tải, dẫn đến vụ kiện vô tiền khoáng hậu giữa "ông trùm" taxi truyền thống Vinasun và Grab. Kết luận của tòa được nhận định chính là câu trả lời của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế rằng chúng ta đã sẵn sàng đón nhận cái mới, đón nhận văn minh, sẵn sàng gia nhập nền Cách mạng 4.0 hay chưa và rõ ràng, bản án gây tranh cãi từ phía Tòa án TP.HCM đã mang đến không ít thất vọng.
Bản án vụ kiện giữa Vinasun - Grab gây nhiều tranh cãi Ngọc Dương
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng việc tòa án yêu cầu Grab bồi thường cho Vinasun trong bối cảnh thiếu cơ sở pháp lý đã góp phần nuôi tâm lý "sợ lớn" của doanh nghiệp Việt, tạo tâm lý e sợ cho thế hệ doanh nghiệp mới khi khởi nghiệp khi chính họ rất dễ bị cáo buộc làm ảnh hưởng kinh doanh của các mô hình truyền thống. Điều này không những đi ngược với chủ trương, quan điểm đối với Cách mạng 4.0 của Chính phủ mà còn thui chột sự cạnh tranh, tác động trực tiếp đến chi phí xã hội, lợi ích của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài sẽ e dè khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng "hết đường" cải tiến, phát triển.
"Khi tư duy của lãnh đạo, của doanh nghiệp Việt chưa thật sự thay đổi, dám tiếp nhận cái mới, Việt Nam khó có thể hưởng lợi, đi tắt đón đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 như Chính phủ mong muốn. Đã đến lúc cần xây dựng chính sách và tạo ra môi trường pháp lý, kinh doanh thông thoáng cho các mô hình kinh doanh mới theo hướng nhìn ra biển lớn" - ông Long nhấn mạnh.
Theo báo cáo năm 2018 về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở mức thấp, nhưng tiềm năng. Việt Nam chỉ xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó, hạng 92/100 về công nghệ nền tảng (Technology Platform), hạng 77/100 về năng lực sáng tạo. Nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines và gần tương đương Campuchia (có xếp hạng tương ứng 83/100 và 86/100).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.