Việt Nam lần đầu tiên mua gạo từ Ấn Độ

07/01/2021 06:28 GMT+7

Lần đầu tiên, sau nhiều thập kỷ, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 70.000 tấn gạo tấm từ Ấn Độ.

Gạo cấp thấp giảm sản lượng đến 90% nên phải nhập khẩu Ngày 4.1, trong bài viết Việt Nam lần đầu mua gạo Ấn Độ sau nhiều thập kỷ, Reuters dẫn lời ông B.V.Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho biết đây là lần đầu tiên Ấn Độ xuất khẩu gạo sang Việt Nam và giới phân tích thị trường lương thực nước này cho rằng, do nguồn cung gạo ở châu Á khan hiếm, giá có thể tăng cao trong năm 2021, thậm chí buộc những nhà nhập khẩu gạo truyền thống từ Thái Lan, Việt Nam phải chuyển sang Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới để mua. Hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm cho Việt Nam từ Ấn Độ dự kiến được giao vào 2 tháng đầu năm nay với giá FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất hàng, chưa bao gồm phí bảo hiểm, phí vận chuyển tới cảng của bên nhập) khoảng 310 USD/tấn.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, năm 2020, Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu xuất khẩu gạo. Nếu như năm 2012, Việt Nam xuất 7,7 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 3 tỉ USD thì đến năm 2020, với số tiền đó, lượng gạo xuất đi là 6,2 triệu tấn. Hướng đi của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm tới vẫn là tăng xuất khẩu mặt hàng gạo có giá trị cao nhằm mang lại thu nhập tốt hơn cho người trồng lúa và nâng tầm hạt gạo Việt.
Để chứng minh giá gạo cùng loại của Ấn Độ và Việt Nam có sự chênh lệch lớn, bài báo cho biết hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán trong khoảng từ 500 - 505 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá gạo cùng loại của Ấn Độ là 381 - 387 USD/tấn. Là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo thế giới, việc Việt Nam nhập khẩu gạo từ đối thủ lớn như Ấn Độ gây không ít bất ngờ. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu gạo trong nước lại gọi đó là “chuyện bình thường ở huyện”.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận xét trong giao thương, nơi nào báo giá thấp, doanh nghiệp tăng mua về để tiêu thụ. Hiện loại gạo tấm cấp thấp tại Ấn Độ rẻ hơn gạo cùng loại của Việt Nam rất nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ loại gạo này tại thị trường Việt Nam vẫn rất cao. Gạo 100% tấm của Ấn Độ có thể dùng để… nấu cơm tấm, làm bột gạo, bánh, bún, phở…
Chi tiết hơn, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho rằng loại gạo IR 50404 năm nay trong nước giá cũng quá cao, gần bằng giá gạo thơm, trong khi nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước quá lớn, bắt buộc phải nhập khẩu. Từ năm 2017 trở về trước, sản lượng gạo thấp cấp giá rẻ của Việt Nam chiếm 70%, 2 năm trở lại đây, sản lượng giảm còn 50 - 60% và đến nay chỉ còn 10 - 15%. Ông nói Bộ NN-PTNT cũng thông tin nhu cầu các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất. “Tôi nghĩ điều này hoàn toàn hợp lý vì gạo tấm nay mua trên thị trường khó lắm”, ông nhận định.

Việt Nam tăng xuất khẩu gạo cao cấp

Ông Đôn cũng khẳng định việc nhập khẩu gạo xấu này không ảnh hưởng đến hoạt động giao thương xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tương lai. Bởi trong mấy năm qua, Việt Nam đã thành công trong nỗ lực cải tạo giống lúa gạo, thu hẹp diện tích trồng giống lúa cấp thấp như 504 trong khi nhu cầu làm thức ăn cho gia súc vẫn rất lớn. Thế nên việc nhập khẩu với giá rẻ vẫn có lợi hơn. Trong tương lai, nhu cầu cao thì Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn hơn số đó nhằm phục vụ ngành chăn nuôi.
Giá gạo xuất khẩu cập nhật hết ngày 31.12.2020 của Việt Nam từ 505 - 512 USD/tấn, gạo loại tương đương của Thái có giá khoảng 528 USD/tấn. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ 375 - 380 USD/tấn.
“Ấn Độ tồn đọng gạo thấp cấp này với số lượng rất lớn, từ năm 2016 đến nay, năm nào Ấn Độ cũng tồn đọng gạo thấp cấp nhiều. Hiện họ đang thống lĩnh tại thị trường châu Phi do lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, xuất khẩu nhiều nhưng lượng hàng tồn vẫn rất cao”, ông Đôn bổ sung. Dữ liệu sơ bộ từ Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy, năm 2020, nước này xuất khẩu gạo kỷ lục, đạt 14 triệu tấn.
Tuy nhiên, một thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam tỏ ra khá thận trọng trước việc Ấn Độ tung tin Việt Nam nhập khẩu gạo từ quốc gia này. Vị này phân tích, gạo Ấn Độ suốt năm qua không cạnh tranh nổi với gạo Việt Nam về giá cả, luôn thấp hơn khoảng 120 USD/tấn. Thông tin phía Ấn Độ đưa ra trên một kênh truyền thông quốc tế chỉ nói lần đầu tiên họ bán được gạo cho Việt Nam mà không nói cụ thể loại gạo gì và ai mua, mua để làm gì.
“Trong khi Bộ NN-PTNT Việt Nam xác nhận doanh nghiệp nhập khẩu gạo xấu để làm thức ăn chăn nuôi. Điều đó là bình thường và không có gì phải ầm ĩ. Như trường hợp Việt Nam nhập khẩu than cám để chạy nhiệt điện, xuất khẩu than cao cấp, giá cao. Hoặc ngay cà phê và tiêu, một số mặt hàng trong nước không có, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để tiêu thụ. Nên việc Việt Nam mua gạo cấp thấp từ Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ trong nước do sản lượng gạo này giảm. Đổi lại, Việt Nam đang thành công trong việc tăng xuất khẩu gạo vào các thị trường lớn với giá được coi là tốt nhất trong vòng 10 năm qua. Cách thông tin từ Ấn Độ rất mơ hồ. Ngành lúa gạo trong nước cần thông tin rõ ràng các vấn đề này để tránh những đồn đoán không đáng gây ảnh hưởng đến thị trường gạo của Việt Nam”, vị này cho biết.
Ông Phạm Thái Bình dự báo giá gạo xuất khẩu năm 2021 sẽ tăng tốt hơn nữa do giá trị hạt gạo Việt Nam đã “định vị” được tại một số thị trường lớn. Năm 2020, giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu ở mức 500 USD/tấn, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đây là mức giá cao nhất từ cuối năm 2011 đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.