Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch?

02/05/2020 06:26 GMT+7

Dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu chững lại, xong theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch Covid -19.

Vốn FDI tính đến hết ngày 20.4, theo Bộ KH-ĐT đạt 12,33 tỉ USD, chỉ bằng 84,5% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so cùng kỳ năm 2018 tăng tới 52,3%, tăng 16,4% cùng kỳ năm 2017 và tăng 79% cùng kỳ 2016.

Sẽ có làn sóng vốn ngoại sau đại dịch

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài phân tích, FDI 4 tháng đầu năm giảm vì 2 lý do: Hoạt động mua bán sáp nhập sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, quy mô các dự án mua bán sáp nhập nhỏ hơn trước rất nhiều. “Nguyên nhân khách quan do thị trường chứng khoán phập phù trong mùa dịch, khối ngoại rút tiền, hàng hóa bán trong nước khó khăn nên DN khó có sản phẩm tốt để đưa lên sàn. Tình hình cổ phần hóa DN nhà nước cũng chững lại. Thế nên, thu hút FDI giảm không phải là xu hướng mà chỉ mang tính tạm thời, ảnh hưởng chính từ dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Có một số tín hiệu lạc quan nên tôi vẫn tin thu hút FDI sẽ “bùng nổ” tốt sau dịch”, GS Nguyễn Mại nhận định.
Tín hiệu lạc quan, theo GS Nguyễn Mại, đó là nỗ lực chống dịch, kiểm soát dịch tốt và tránh được những cuộc phong tỏa kéo dài của Việt Nam đã nhận được không ít lời khen, ghi nhận từ một số tổ chức quốc tế và các quốc gia bị dịch Covid-19. Thứ hai là xu hướng chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc đã “ngày một rõ rệt” và Việt Nam với yếu tố tích cực chống dịch hiệu quả đang là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Dẫn chứng chuyện chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỉ USD hỗ trợ DN nước này rời Trung Quốc; chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty của Mỹ sớm dời nhà máy tại Trung Quốc, GS Nguyễn Mại thông tin, một số DN đã về Mỹ, còn một số đến nước thứ 3 đầu tư. Cập nhật mới nhất, tại khu vực Đông Nam Á có Indonesia và Việt Nam đã được nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lựa chọn.
Cụ thể, chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc trong tháng 2 bị tê liệt do dịch Covid-19 càn quét khiến tốc độ chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang được đẩy nhanh nhất có thể. Công ty Pegatron chuyên lắp ráp iPhone hy vọng sẽ hoàn tất nhà máy và bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2021. Trước đó, họ đã đầu tư nhà máy tại Indonesia. Công ty Inventec chuyên lắp ráp tai nghe AirPod cũng đang chuẩn bị xây nhà máy tại Việt Nam. Sớm hơn có Foxconn đã kịp xây dựng nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ.
Ngoài ra, từ năm 2019, nhiều tập đoàn công nghệ cũng đã lên kế hoạch rời Trung Quốc để tránh bị nạn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các công ty đa quốc gia như Samsung và LG đã đầu tư dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam thay vì Trung Quốc theo kế hoạch cũ. Trong tháng 2, tờ Nikkei (Nhật) cũng thông tin các “ông lớn” như Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch. Kế đó, Hãng trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam. Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu vì dịch Covid-19 cũng chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện về Nhật Bản và sang Việt Nam...

Cảnh giác các dự án lẩn tránh xuất xứ

Một khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, có tới 65,8% DN Nhật Bản tại Việt Nam nói đang làm ăn có lãi hoặc không lỗ; 63,9% DN Nhật Bản có định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Một điều tra với hơn 3.500 DN Nhật cũng do JETRO thực hiện về dự định đầu tư ở nước ngoài, số DN chọn Việt Nam để đầu tư tăng từ 5,5 lên 41%. Số DN Nhật dự kiến đầu tư vào ngành điện tử ở VN tăng 15,6%, vào dệt may tăng hơn 14%.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn quản trị tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), đại dịch Covid-19 lộ rõ sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường, khiến chuỗi sản xuất cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy, không riêng gì Việt Nam hay nước sản xuất gia công nào.
Bên cạnh đó, việc phòng, chống và kiểm soát được dịch bệnh khiến Việt Nam tăng điểm trong mắt nhà đầu tư. Họ tìm thấy ở đấy sự đồng thuận của người dân với Chính phủ trong chiến dịch phòng, chống dịch, họ tìm thấy ở Việt Nam có nền chính trị ổn định, có những ký kết hợp tác thương mại tự do đến nhiều thị trường lớn, có bờ biển dài, thuận tiện trong giao thương.
Thế nên, nhà đầu tư chọn Việt Nam là điều dễ hiểu. “Câu chuyện cảnh giác đầu tư đội lốt, mượn xuất xứ để xuất khẩu, tạm nhập tái xuất tráo xuất xứ… vẫn còn tính thời sự. Sau dịch Covid-19, vấn đề này càng không được lơ là”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Cần thu hút các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ mới

GS Nguyễn Mại cũng lưu ý, 4 tháng đầu năm nay, quy mô trung bình một dự án FDI chỉ khoảng 2 triệu USD trong khi trước đó là 8 -10 triệu USD.
“Ngoài dự án nhà máy điện khí hóa lỏng ở Bạc Liêu thu hút được 4 tỉ USD, mức bình quân dự án FDI trong 4 tháng qua còn rất thấp, hiếm có dự án phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị nhằm thu hút được nhiều dự án lớn trên thế giới. Nếu chỉ thu hút được các dự án nhỏ li ti thôi, tham vọng trở thành “công xưởng” thế giới của Việt Nam có thể đạt về số lượng, nhưng chất lượng không cao. Chúng ta cần thu hút các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ mới cho thì tương lai. Tôi nghĩ các khu công nghiệp, các địa phương trong thu hút FDI cần đặc biệt chú ý điều này”, GS Nguyễn Mại phân tích. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.