Việt Nam vào nhóm có “nền kinh tế tự do”

09/03/2021 06:22 GMT+7

Lần đầu tiên sau 27 năm, một tổ chức xếp hạng uy tín của Mỹ công bố Việt Nam vào nhóm có nền kinh tế tự do trung bình với nhiều tiêu chí được cải thiện theo hướng tích cực.

Theo bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ vừa công bố, năm 2021 là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2,9 điểm - chủ yếu do “sức khỏe” tài chính được cải thiện - và thăng 15 bậc so với năm ngoái, từ nhóm được xem hầu như không có tự do về kinh tế.

Có những cải cách quan trọng

Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 17/40 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Trong khi đó, Đài Loan đạt được thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay trong lịch sử 27 năm từ ngày Heritage Foundation tổ chức bình chọn và công bố chỉ số tự do kinh tế, tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong tổng số 184 nền kinh tế. Với số điểm 78,6/100, Đài Loan được xếp vào loại “gần như tự do” cùng với 78 nền kinh tế khác, trước cả Nhật Bản ở vị trí thứ 23 và Hàn Quốc ở vị trí thứ 24, Trung Quốc đứng ở vị trí 107.

Chính phủ đang hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó đề cập đến tạo thuận lợi tối đa cho DN hoạt động. Một trong những vấn đề đó chính là sự tự do kinh tế

Chuyên gia thương mại Nguyễn Lý Trường An  - Phó giám đốc Global SeaAir

Chuyên gia thương mại Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Global SeaAir, cho biết chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam tăng liên tục trong mấy năm qua. Năm 2018 là 53,1 điểm, năm 2019 lên 55,3 điểm, năm 2020 lên 58,8 điểm và năm nay vọt lên 61,7 điểm, con số khá ấn tượng. Nó càng quan trọng khi chỉ số này “đánh” vào sự thay đổi trong cải cách về tài chính.
Năm 2020, báo cáo của quỹ này đã khuyến nghị Việt Nam muốn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, phải tăng cường thương mại quốc tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt tăng cải cách thể chế, hệ thống tư pháp. “Thế nên, với kết quả bình chọn mà Quỹ Di sản vừa công bố, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng có tổ chức buổi Đối thoại 2045 với doanh nghiệp (DN) tiêu biểu và các trí thức trong nước. Chính phủ đang hướng đến sự phát triển bền vững, trong đó đề cập đến tạo thuận lợi tối đa cho DN hoạt động. Một trong những vấn đề đó chính là sự tự do kinh tế”, ông Nguyễn Lý Trường An phân tích.
12 yếu tố được Quỹ Di sản phân thành 4 nhóm để trên cơ sở đó đánh giá và tính điểm chỉ số tự do kinh tế cho 184 quốc gia năm nay gồm: Nhà nước pháp quyền (bao gồm quyền tài sản, tính liêm chính của chính phủ, hiệu lực tư pháp); Quy mô chính phủ (chi tiêu chính phủ, gánh nặng thuế, sức khỏe tài chính); Hiệu quả quản lý (tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ) và thị trường mở (tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do tài chính).
“Nhiệm vụ trước mắt của Việt Nam là phải có nền kinh tế minh bạch, hoạt động theo cơ chế thị trường đúng nghĩa. Muốn vậy, phải tận dụng lợi thế từ đánh giá tăng bậc này để thu hút nguồn lực nước ngoài, tạo sự đột phá cho doanh nghiệp trong nước thời hậu dịch Covid-19...”, ông An nói.

Chất “xúc tác” cho nhà đầu tư

Chuyên gia kinh tế, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lại cho rằng chúng ta không nên đánh giá cao thấp các xếp hạng này mà coi nó có giá trị tham khảo hơn là “kim chỉ nam” cho điều hành hoạt động của nền kinh tế.

Những nỗ lực cải cách của Chính phủ hiện tại được đánh giá cao và có kết quả đầy tích cực trong năm qua, cho dù gặp rất nhiều khó khăn. Tôi hy vọng chính phủ nhiệm kỳ kế tiếp tiếp đà thúc đẩy cải cách trên tinh thần ấy, chắc chắn chúng ta tiếp tục gặt hái, thăng hạng trong thời gian tới.

Chuyên gia Phạm Chi Lan

“Trong cuộc gặp gỡ doanh nhân tiêu biểu và nhân sĩ trong dịp cuối tuần qua, chủ đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập là hướng đến cái nhìn tới năm 2045 với ý nghĩa tròn 100 năm Việt Nam thành lập nhà nước Việt Nam độc lập, dân chủ. Một cuộc gặp với kỳ vọng lớn trong cải cách mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ; Có tính hướng ngoại, cởi mở rất đáng lưu ý. Đây chính là điều các nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài quan tâm. Các đánh giá khiến Việt Nam tốt hơn trong mắt các tổ chức quốc tế chính là “chất xúc tác” cho những chính sách đổi mới và hiện thực của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới”, GS Nguyễn Mại nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bổ sung đánh giá của Quỹ Di sản là kết quả họ nhìn nhận những gì Việt Nam đã làm được trong năm vừa qua. Năm qua, Chính phủ có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh tốt và đưa nền kinh tế đi lên trong bối cảnh ngặt nghèo, khó khăn của thế giới.
Bà Phạm Chi Lan phân tích: “Nhìn trong chuỗi thời gian dài của năm qua, thu hút đầu tư mới của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được đánh giá cao. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí đều có sự tham gia của các tập đoàn tư nhân trong nước và quốc tế, cụ thể là Mỹ, Đức, Thái Lan... “Sức khỏe” tài chính của Việt Nam được tăng điểm nhờ vào mảng khá nổi trội của nhiều DN trong nước. Tôi nghĩ kết quả đó đã giúp Việt Nam thăng hạng trong tự do kinh tế dưới đánh giá khách quan của các nhà phân tích nước ngoài”, bà Phạm Chi Lan nhận xét.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý kinh tế thế giới năm nay không mấy thuận lợi do hậu quả từ đại dịch quá nặng nề, nên Việt Nam muốn tăng tốc thì phải nỗ lực gấp đôi, gấp 3 so với năm trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.