Kết quả kinh doanh của VietinBank trong kỳ phản ánh tình hình chung của các ngân hàng khi dốc sức, sát cánh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai kịp thời các chính sách, giải pháp như điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm phí thanh toán.
Với vai trò là NHTM Nhà nước lớn, trụ cột, chủ lực của nền kinh tế, VietinBank luôn chủ động, tiên phong trong thực thi các định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN để đồng hành, chia sẻ với khách hàng, cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn và dịch vụ tài chính ngân hàng, đáp ứng tối đa nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, VietinBank đã chủ động ban hành và thực hiện tích cực hàng loạt giải pháp kịp thời, thiết thực để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phục hồi hoạt động kinh doanh như triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường, quy mô lên đến 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch), đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch Covid-19; miễn, giảm lãi, cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản theo tinh thần chỉ đạo của NHNN tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN; giảm phí dịch vụ…
Tính đến 31.3, tổng tài sản của VietinBank đạt 1.223 nghìn tỉ đồng, giảm 1,46% so với cuối năm 2019. Tiền gửi khách hàng tại thời điểm 31.3 đạt 896 nghìn tỷ đồng, tăng 0,33% so với cuối năm 2019. Dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 31.3 đạt 924 nghìn tỉ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ suy giảm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ cấu dư nợ cho vay khách hàng vẫn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các phân khúc có hiệu quả sinh lời cao như bán lẻ và SMEs (tỷ trọng bán lẻ và SMEs chiếm khoảng 56% dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 31.3).
Tiền gửi và dư nợ cho vay khách hàng (nghìn tỉ đồng)
|
Nguồn: BCTC hợp nhất
Tăng trưởng hoạt động kinh doanh quý 1/2020 của VietinBank gắn với hiệu quả tăng trưởng, tích cực thu hồi nợ và kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.
Tổng thu nhập hoạt động của VietinBank lũy kế 3 tháng đầu năm 2020 đạt 10.685 tỉ đồng, tăng 10,93% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu thu nhập từng bước được cải thiện, tỷ trọng thu ngoài lãi đã tăng từ 20% lên 23% tổng thu nhập hoạt động. Lũy kế 3 tháng năm 2020, thu nhập ngoài lãi (bao gồm cả bảo lãnh) của VietinBank đạt 2.462 tỉ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019.
VietinBank đang thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động, ưu tiên cho những nhu cầu quan trọng, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng chi phí, tối ưu chi phí huy động vốn để tạo nền tảng, cơ sở cho giảm lãi suất cho vay. Chi phí hoạt động của VietinBank tiếp tục được quản trị hiệu quả, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 3 tháng đầu năm 2020 đạt 31,05%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 (33,61%).
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank trong quý 1/2020 tăng 35,52% so với cùng kỳ năm 2019 do tăng trích lập cho nợ nhóm 3 tăng lên. Việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro xuất phát từ chính sách quản trị rủi ro thận trọng của VietinBank. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế 3 tháng năm 2020 đạt 2.974 tỉ đồng.
Tác động của dịch bệnh tới ngành ngân hàng có độ trễ so với tác động tới doanh nghiệp, hơn nữa những diễn biến của dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ ở Việt Nam. Tuy nhiên, VietinBank đã chuẩn bị nhiều phương án và đã triển khai các giải pháp tiết kiệm chi phí, cơ cấu lại nguồn vốn để giảm chi phí vốn, dự phòng về tài chính cho những biến động của thị trường…
VietinBank đang tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh để chủ động có các phương án, biện pháp, giải pháp ứng phó dịch bệnh, đánh giá những tác động tới hoạt động và lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian tới. Đồng thời chủ động triển khai ngay các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Bình luận (0)