Doanh thu nhiều thị trường nước ngoài của Viettel tăng trưởng 2 con số

14/08/2020 16:00 GMT+7

Bất chấp những khó khăn do cơn bão Covid-19, tăng trưởng doanh thu từ nhiều thị trường nước ngoài của Tập đoàn Viettel vẫn tăng trưởng 2 con số, đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất kinh doanh của toàn tập đoàn.

Kết quả kinh doanh tốt tại các thị trường nước ngoài của Viettel đã đưa dòng tiền về Việt Nam của tập đoàn vượt mức kế hoạch, đạt gần 140 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Mặc dù đối mặt với bất ổn chính trị, thiên tai, chính sách nước sở tại và đặc biệt là dịch bệnh, các thị trường Viettel đầu tư vẫn đạt những kết quả ấn tượng. Tại thị trường châu Phi, Halotel (thương hiệu Viettel tại Tanzania) đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây - gần 30%; Movitel (thương hiệu Viettel tại Mozambique) tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm qua, tăng trưởng hơn 26%, đạt đỉnh 4,5 triệu thuê bao ngay cả trong mùa mưa.
Tại châu Á, Mytel (thương hiệu Viettel tại Myanmar) vượt mốc 10 triệu thuê bao sau 2 năm kinh doanh, chiếm gần 30% thị phần, sớm hơn mục tiêu đề ra nửa năm.
Tất cả các thị trường do Viettel đầu tư đều thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số cho chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó Bitel (Peru) liên tiếp thắng thầu các dự án đem lại doanh thu 6 tháng đầu năm gần 10 triệu USD, lợi nhuận hơn 1,5 triệu USD.
Kết quả kinh doanh của Viettel tại các thị trường nước ngoài nằm ngoài các dự báo suy giảm của các chuyên gia trên thế giới. Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), chi tiêu cho CNTT trên toàn thế giới dự kiến giảm 5,1%, chi tiêu viễn thông sẽ giảm gần 1%. Những tên tuổi lớn nhất của ngành viễn thông nằm trong top 30 của danh sách 150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới 2020 do Brand Finance xếp hạng phần lớn đều chịu thiệt hại do tác động từ Covid 19, dẫn tới không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh viễn thông nước ngoài đã giúp Viettel đảm bảo tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra trong 6 tháng đầu năm 2020. Tổng doanh thu của Tập đoàn Viettel 6 tháng đầu năm 2020 đạt 120 nghìn tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số đạt 2,6 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 57% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 19,85 nghìn tỉ đồng, đạt 110,2% kế hoạch 6 tháng và 49,4% kế hoạch năm.
Halotel có sự bứt tốc trong năm 2020

Halotel có sự bứt tốc trong năm 2020

Những bước tiến vững chắc

Cách đây 13 năm, khi Viettel còn là cái tên mới tinh trên thị trường viễn thông Việt Nam chỉ với 2 triệu thuê bao, tập đoàn (khi đó còn là tổng công ty) vẫn quyết tâm tiến ra thế giới với vỏn vẹn 1 triệu USD tiền vốn.
Quyết định táo bạo, có phần “liều lĩnh” ấy đã mang lại kết quả tích cực bất ngờ với dự án đầu tư đầu tiên tại Campuchia. Từ tháng 10.2006, sau khi tuyến cáp được kéo thành công từ An Giang về thủ đô Phnom Penh của nước bạn và dịch vụ VoIP đã mang lại doanh thu cho Viettel, tái đầu tư để nuôi mảng internet và di động sau đó.
Chiến lược từng áp dụng thành công tại Việt Nam (lấy nông thôn nuôi thành thị) tiếp tục được áp dụng thành công tại Campuchia và nhiều thị trường sau đó như Lào, Haiti, Mozambique, Peru, Myanmar… Tất cả những nước mà Viettel dấn thân đều có đặc điểm chung là thị trường mới, độ phủ vùng nông thôn rất rộng. Và rất nhanh sau đó, Viettel đã tạo dựng nên các thương hiệu mạng di động riêng gây dấu ấn tại từng thị trường đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, năm 2010 khi Haiti đối mặt với trận động đất tồi tệ trong lịch sử, đẩy đất nước này vào cảnh khó khăn và nghèo đói, các công trình bị tàn phá nặng nề…, Viettel vẫn tiếp tục thực hiện cam kết đầu tư thành lập liên doanh viễn thông Natcom. Chỉ sau hơn 1 năm thảm họa, Natcom đã chính thức khai trương mạng viễn thông với cơ sở hạ tầng về mạng di động đứng số 1 Haiti.
Sau Haiti, Mozambique là một trong những quốc gia nghèo nhất được Viettel lựa chọn đầu tư với nhà mạng Movitel, được mệnh danh là “điều kỳ diệu của châu Phi” và từng vinh dự nhận 6 giải thưởng quốc tế uy tín. Đông Timor - thị trường nghèo nhất Đông Nam Á và rất nhỏ với 1,2 triệu dân cũng đã có lãi chỉ sau 6 tháng khai trương nhà mạng Telemor.
Khác với các thị trường chưa có ai khai phá, Peru được ví là bước ngoặt khi Viettel đặt chân vào thị trường có mật độ điện thoại di động đạt trên 100% với sự thống trị của 2 “đại gia” viễn thông là Movistar và Claro. Song mạng Bitel của Viettel đã trở thành mạng di động đầu tiên phủ sóng 3G toàn Peru, kể cả ở những vùng nông thôn và vùng núi cao… Với 1,5 tỉ USD đầu tư sang Myanmar, Mytel đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong số 11 thị trường mà Viettel đầu tư, được xem là động lực tăng trưởng quan trọng trong tương lai.
Viettel đang và đã chứng minh được năng lực khi đầu tư thành công và có lãi cả những thị trường nghèo nhất cho đến các thị trường nhiều cạnh tranh, tạo nên những cuộc bùng nổ và kỳ tích viễn thông tại nhiều quốc gia, ghi dấu ấn đậm nét của thương hiệu Việt Nam trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.