Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 5 đạt hơn 1,55 tỉ USD, đưa tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam sau 5 tháng đầu năm nay đạt gần 13,9 tỉ USD. Trong đó, nguồn vốn đăng ký mới đạt 7,44 tỉ USD với 1.212 dự án và có 436 dự án đăng ký tăng thêm vốn tổng cộng hơn 3,45 tỉ USD. Bên cạnh đó, lượng vốn FDI góp, mua cổ phần đạt gần 3 tỉ USD ở 3.528 dự án.
So với cùng kỳ năm 2019, vốn FDI bị sụt giảm 17%. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm nay lượng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn tăng cao hơn cùng kỳ của các năm trước đó dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chẳng hạn, 5 tháng đầu năm 2016 đạt 10,1 tỉ USD; năm 2017 đạt 12,1 tỉ USD và năm 2018 chỉ đạt 9,9 tỉ USD.
Dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong 5 tháng qua là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 6,87 tỉ USD; đứng thứ hai là sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với gần 4 tỉ USD nhờ có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy thu hút được gần 945 triệu USD và thứ tư là hoạt động kinh doanh bất động sản với 801,2 triệu USD…
Tổng cộng có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong đó Singapore đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỉ USD, Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,46 tỉ USD, Trung Quốc đứng thứ ba với 1,27 tỉ USD, Nhật Bản đứng vị trí thứ tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,26 tỉ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, British Virgin Islands, Hà Lan...
Xét theo địa bàn, Bạc Liêu nhờ có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng với vốn đầu tư 4 tỉ USD vươn lên dẫn đầu là tỉnh thu hút nhiều vốn ngoại nhất từ đầu năm đến nay. Đứng thứ hai là Bà Rịa-Vũng Tàu với 1,935 tỉ USD và TP.HCM đứng thứ 3 khi có 1,6 tỉ USD. Những tỉnh xếp tiếp theo gồm Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương, Tây Ninh, Long An…
Bình luận (0)