Vùng gò đồi thoát nghèo nhờ cây dược liệu

01/09/2018 08:11 GMT+7

Một số hộ dân tại xã Dương Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) bắt tay vào trồng và chế biến tinh dầu sả, kết hợp với chế biến tinh dầu tràm tự nhiên, đã mang lại lợi nhuận, hiệu quả cao.

Dương Thủy và các xã lân cận vùng gò đồi của H.Lệ Thủy có điều kiện thuận lợi để trồng sả, nhưng lâu nay chưa ai nhận ra. Toàn xã có khoảng 1.200 hộ làm nông nghiệp, chủ yếu trồng sắn, keo tràm nên thu nhập thấp và bấp bênh vì phụ thuộc thời tiết. Trăn trở với việc phát triển kinh tế vùng gò đồi, anh Nguyễn Đại Nguyên, một giáo viên sinh - hóa ở thôn Nam Thiện (xã Dương Thủy), đã tìm tòi nhiều tài liệu trong và ngoài nước để “phác thảo” hướng đi mới: trồng và chế biến dược liệu sả, tràm.
Hiệu quả khả quan

Theo tính toán, trên diện tích 1 sào (500 m2) trồng sắn hiện nay cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm nhưng nếu trồng sả thì giá thu mua hiện tại 3 triệu đồng/năm

 
Năm 2016, các hộ chung sức đứng vào tổ hợp 2 (hoa cây cảnh Nguyên Kiều) thuộc HTX nông nghiệp Dinh Trạm để sản xuất. Anh Nguyên có trách nhiệm tìm hiểu kỹ thuật trồng, chế biến tinh dầu rồi hướng dẫn các tổ viên làm. Năm 2017, tổ hợp khai thác 3 đợt với 140 tấn, chiết xuất được 140 lít tinh dầu sả, cho doanh thu 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi gần 200 triệu đồng. Để tạo thu nhập cho người dân trong địa phương, cơ sở cũng thuê 10 nhân công với mức lương trên dưới 7 triệu đồng/tháng.
Vùng gò đồi Dương Thủy mọc rất nhiều cây tràm nên ngoài trồng sả, tổ hợp còn khai thác tràm để chế biến tinh dầu. Mặc dù mới thử sức nhưng sản phẩm tinh dầu sả, tràm Nguyên Kiều được đánh giá cao, 2 lần tham dự triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây nguyên tại Phú Yên (tháng 7.2018) và khu vực miền Bắc (ngày 1.8). Theo anh Nguyên, cây dược liệu, đặc biệt là cây sả ít bị ảnh hưởng bởi gió bão, thiên tai, thích hợp với chất đất, khí hậu khắc nghiệt ở Dương Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung. Thậm chí, khí hậu càng khắc nghiệt, tinh dầu sả càng có chất lượng và giá trị cao.
Trước mắt có thể thấy, trồng dược liệu hiệu quả hơn sản xuất truyền thống. Theo tính toán, trên diện tích 1 sào (500 m2) trồng sắn hiện nay cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm nhưng nếu trồng sả thì giá thu mua hiện tại 3 triệu đồng/năm.
Tinh dầu sả từ nguyên liệu ở Dương Thủy Ảnh: Q.N
Đa dạng hóa sản phẩm
Đối với tổ hợp 2, mục tiêu và chiến lược phát triển rất rõ ràng. Ngoài việc tổ chức trồng, chế biến, xây dựng thương hiệu, liên kết với các công ty dược tìm đầu ra thì trong thời gian từ nay đến năm 2020 tổ hợp xây dựng nâng cấp lò chiết xuất, nhà kho và cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng quy mô sản xuất nguyên liệu. Từ phế thải nông nghiệp đã qua chế biến, tổ hợp nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ; một số loại cây dược liệu mới cũng sẽ trồng thử nghiệm như hoa hồng, oải hương, gừng, bạc hà...
Trong giai đoạn kế tiếp (2020 - 2022), tổ hợp sẽ trồng đại trà hoa hồng, oải hương, gừng và phát triển du lịch trải nghiệm, bảo vệ nguồn gien cây tràm, chế biến phế phẩm (tận dụng lá sả sau khi nấu dầu làm tranh lợp). Đến giai đoạn 2022 - 2025, các hộ gia đình sẽ xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, bảo tồn nguồn cây dược liệu bản địa và sản xuất dược liệu, nông sản sạch phục vụ du lịch, dịch vụ…
Cần hỗ trợ vốn, giống
Dù kết quả thu được là khả quan, nhưng các hộ sản xuất dược liệu ở Dương Thủy đang lo thiếu vốn, lại chưa chủ động được cây giống, diện tích đất canh tác còn ít nên thiếu nguyên liệu…, dẫn đến lò chiết xuất chưa sử dụng hết công suất hoặc phải chờ trong thời gian dài. Vùng sản xuất nguyên liệu cũng chưa liên kết được, khả năng tìm kiếm thị trường ngoài nước còn nhiều hạn chế. Đây là những khó khăn cần sớm được giải quyết để có thể hình thành một hướng đi giúp người dân địa phương phát triển kinh tế một cách bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.