Vườn chanh giấy trứng ngỗng cho tiền tỉ

08/11/2018 06:49 GMT+7

Với 11 công đất trồng chanh giấy trứng ngỗng và xử lý cho cây ra trái cả mùa nghịch, mỗi năm ông Lê Văn Hùng (Vĩnh Long) thu lãi trên 1 tỉ đồng.

Ông Hùng (51 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, H.Trà Ôn) kể trước đây nhà nghèo nên ông lên TP.HCM làm công nhân mưu sinh. Năm 2008, tình cờ biết một người bạn ở Củ Chi (TP.HCM) trồng chanh giấy trứng ngỗng (trái có hình bầu dục như trứng ngỗng nên nhà vườn gọi tên vậy để phân biệt với các loại chanh giấy khác) cho hiệu quả cao nên ông tìm hiểu rồi quyết định trở về quê khởi nghiệp từ loại cây này.
Với những kết quả đã đạt được, nhiều năm qua, ông Hùng đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp, các ngành và được công nhận “Nông dân điển hình tiên tiến cấp huyện, giai đoạn 2016 - 2018”.
Ban đầu, ông trồng 80 gốc chanh trên 2 công đất của gia đình nhưng do chưa có kinh nghiệm nên 15 cây bị chết, số còn lại cho năng suất không cao. Không nản chí, ông đi nhiều nơi tìm hiểu cách trồng và nghiên cứu tài liệu qua sách báo. Nhờ cần cù, đúc kết kinh nghiệm của người đi trước và áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, dần dần vườn chanh của ông Hùng cho kết quả khả quan.
“Năm 2010 tôi thu hoạch vụ chanh đầu tiên với năng suất 10 tấn/công, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí lãi 120 triệu đồng/công. Một con số quá bất ngờ đối với tôi”, ông Hùng kể.
Thừa thắng xông lên, ông Hùng quyết định mua thêm 3 công đất và thuê 6 công của những người xung quanh để trồng chanh giấy trứng ngỗng, nâng tổng diện tích canh tác lên 11 công.
Ông Hùng cho biết chanh giấy trứng ngỗng có ưu điểm trái to, vỏ mỏng, nhiều nước, ít hạt, mùi vị thơm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Bình quân từ 10 - 12 trái/kg, giá bán cho thương lái hiện nay khoảng 35.000 đồng/kg (loại 1), 30.000 đồng (loại 2) và loại 3 là 15.000 đồng.
Để tránh dội chợ, ông Hùng chọn phương án thu hoạch 15 ngày/lần, tính cả năm sẽ thu hoạch từ 22 - 24 lần. Để làm được như vậy, ngoài mùa thuận, ông xử lý cho cây ra trái mùa nghịch. Ông áp dụng cách bón phân hữu cơ (phân vịt, gà, heo, bò, dơi) lẫn phân vô cơ theo từng thời điểm cho trái. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm ông thu hoạch được 80 - 90 tấn trái, trừ các khoản chi phí đầu tư và hợp đồng thuê đất, ông có lãi trên 1 tỉ đồng. Đó là chưa kể tiền bán mỗi năm khoảng 2.000 cây con với giá 15.000 đồng/nhánh.
Bà Nguyễn Thị Hồng, một thương lái tại Trung tâm thương mại Cái Khế (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), thường xuyên đến mua chanh của ông Hùng, nhận xét: “Tôi làm nghề thu mua chanh hơn 30 năm nay nhưng chưa thấy chỗ nào có chanh tốt và ngon như giống chanh giấy ông Hùng trồng. Vì vậy vườn này có bao nhiêu trái tôi bao tiêu hết”.
Ông Lê Văn Bay, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lục Sĩ Thành, cho biết đã có vài hộ dân trong xã trồng giống chanh này nhưng chưa thành công. Do đó, sắp tới xã sẽ nhờ ông Hùng tư vấn kỹ thuật cho bà con làm theo để tăng thu nhập, phát triển kinh tế.
Đúc kết kinh nghiệm thành công của mình, ông Hùng bộc bạch: “Nông dân không chỉ siêng năng, cần cù mà phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt là phải nắm bắt thị trường đang cần gì để đáp ứng, không nên chạy theo những mô hình của người khác phát triển rầm rộ nhưng không bài bản để tránh thất bại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.