Chỉ áp dụng khi đạt miễn dịch cộng đồng
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng liên quan để nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập cảnh theo hướng: Thúc đẩy công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng - hộ chiếu vắc xin; xem xét giảm thời gian cách ly và số lần xét nghiệm đối với những người đã được tiêm vắc xin và đáp ứng kết quả xét nghiệm y tế; đề xuất lộ trình mở rộng các đối tượng được xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Trước đó, ngày 11.6, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).
Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng cục Du lịch đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thông qua hộ chiếu vắc xin vào Phú Quốc, báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trình Thủ tướng.
Thực tế, để bảo đảm sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, ngay từ cuối năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các phương án, kế hoạch, làm việc với các cơ quan liên quan. Từ ngày 24.3, Tổng cục Du lịch đã có buổi làm việc với đại diện một số bộ, ngành bàn về đề xuất kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào VN. Việc mở cửa đón khách quốc tế là vấn đề quan trọng, trong đó cần ưu tiên cao nhất cho bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
“Việc Chính phủ cho phép áp dụng hộ chiếu vắc xin là chìa khóa để mở cửa đón khách quốc tế. Nếu chậm chân, chúng ta có thể để lỡ cơ hội. Tuy nhiên, việc mở cửa đón khách quốc tế chắc chắn phải được xây dựng theo lộ trình, có giai đoạn thí điểm và an toàn dịch bệnh luôn được ưu tiên hàng đầu”, một lãnh đạo ngành du lịch khẳng định.
Vị này cũng thông tin thêm: Dự kiến, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng. Ngành du lịch cần sự phối hợp của Bộ Y tế trong việc xây dựng bộ công cụ để kiểm soát tất cả các du khách nhập cảnh. Nghĩa là khách đến Việt Nam phải đảm bảo đã được tiêm vắc xin, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2. Khách cũng phải cam kết tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh của Việt Nam và chỉ ở trong giới hạn của phạm vi điểm đến đã đăng ký với nhà chức trách. Sau khi địa phương được thí điểm thành công, đảm bảo an toàn thì sẽ nhân rộng ra các nơi khác.
Có thể thí điểm nhiều địa phương
Hiện nay, nhiều quốc gia đang triển khai rộng rãi việc tiêm vắc xin phòng dịch để tiến tới miễn dịch cộng đồng. Một số nước đã áp dụng các loại hình chứng nhận số về sức khỏe để tạo thuận lợi đi lại trong khu vực, từng bước mở lại hoạt động du lịch, giao thương, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 14.6 vừa qua, các chủ tịch của Nghị viện châu Âu, Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu đã chính thức ký ban hành Quy định về áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại ở khu vực châu Âu. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2021 - 31.6.2022.
Trong khu vực, chính phủ Thái Lan đã tuyên bố mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm vắc xin đến Phuket từ ngày 1.7 theo mô hình “Phuket Sandbox”, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh của nước này vẫn diễn biến khá phức tạp. Theo đó, tất cả những người đã tiêm vắc xin có thể thoải mái tới Phuket vui chơi, nghỉ dưỡng, ở lại đây ít nhất 7 ngày, trước khi tiếp tục hành trình tới các điểm đến khác ở Thái Lan.
Tại Việt Nam, từ tháng 4, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã đề xuất Quảng Nam là địa phương đầu tiên triển khai cơ chế hộ chiếu vắc xin, thí điểm đón khách quốc tế. UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý đăng ký triển khai cơ chế này và gửi Bộ dự thảo phương án đón khách. Hiện nay, các hãng hàng không cũng đã lần lượt công bố ký thỏa thuận với Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) để thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass - công cụ kỹ thuật bước đầu để thiết lập nền tảng triển khai chương trình hộ chiếu vắc xin.
Để triển khai hiệu quả chương trình hộ chiếu vắc xin, đón khách quốc tế, đầu tiên Chính phủ cần công bố quy chuẩn chung về chuẩn vắc xin, các loại giấy thông hành được chấp nhận, thời gian ở khu vực thí điểm bao lâu sẽ được tự do ra ngoài cộng đồng… Song song đó, xây dựng tiêu chí đánh giá những điểm đến đạt được mức độ an toàn, đủ tiêu chuẩn tổ chức thí điểm đón khách quốc tế. Các tỉnh, thành có nhu cầu chỉ cần đối chiếu với bộ tiêu chí để đề xuất tham gia thí điểm, tránh tình trạng loay hoay, xin xỏ xét duyệt hồ sơ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
|
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, nhận định việc đẩy nhanh kế hoạch công nhận hộ chiếu vắc xin, thí điểm đón khách quốc tế có ý nghĩa rất lớn đối với ngành du lịch. Việt Nam đã trải qua hơn 1 năm “rèn luyện” rất tốt các kỹ năng chống dịch. Từ các cơ sở y tế đến khu du lịch, điểm du lịch..., từ nhân viên khách sạn đến người dân, tất cả đều được trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống cũng như xử lý trong trường hợp dịch tái phát. Chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Chỉ cần có chủ trương nhất quán, chính sách, định hướng rõ ràng là toàn ngành du lịch có thể lập tức đón khách an toàn.
Theo ông Kỳ, không chỉ Phú Quốc, Việt Nam còn rất nhiều địa phương có đủ điều kiện để thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin. Đơn cử như Nam Hội An, Cát Bà, Côn Đảo, khu Vinpeal Land - Nha Trang... đây là những khu vực có tính chất cách biệt, gần sân bay, dân cư thấp, có thể nhanh chóng tiêm vắc xin cho 70% dân số để đạt tới miễn dịch cộng đồng.
Bình luận (0)