Xe buýt cần đột phá

01/01/2019 07:41 GMT+7

Dù đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng xe buýt đang phải vật lộn giữ chỗ đứng với hàng loạt loại hình khác, từ xe cá nhân đến taxi, xe ôm công nghệ.

Xe bỏ bến, khách bỏ xe

Hành vi của người dân sẽ chưa thay đổi nếu không có những cú đột phá về chất lượng xe buýt như đã từng làm thành công vào đầu năm 2000, trong đó có cả giải pháp về xe buýt, kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý, khai thác vận hành xe buýt và truyền thông.
TS Trần Hữu Minh
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Q.Hà Đông, Hà Nội), một khách hàng trung thành của tuyến buýt 01, chia sẻ nỗi “hốt hoảng” khi phải đứng một chân trên chuyến xe chật cứng trong khung giờ cao điểm sáng 28.12.
Chị nói: “Đường tắc cứng, xe buýt cũng chật cứng, gần 2 tiếng mới từ Hà Đông lên được Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm), người người chen chúc. Quá ngột ngạt không thể cựa được, xuống đến nơi là tôi quay cuồng”. Cũng theo nữ hành khách này, dù không chê xe buýt, biết lái xe luôn gặp áp lực vì đường sá tắc nghẽn, phải cố đúng giờ, nhưng ngoài một số lái xe thân thiện, rất nhiều lần chị gặp những lái xe “gắt như mắm tôm, luôn miệng chửi tục”. Cảm xúc của chị Hạnh cũng là tâm trạng chung của khá nhiều hành khách đã gắn bó với xe buýt: dù không chê nhưng cũng khó hài lòng.
Theo TS Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), sự sụt giảm của xe buýt cho thấy những nỗ lực của chính quyền các TP trong việc giảm dần xe cá nhân, tăng cường vai trò của vận tải công cộng chưa đạt. Minh chứng là sản lượng vận tải bằng xe buýt sụt giảm qua các năm gần đây, giai đoạn 2014 - 2017, sản lượng vận tải bằng xe buýt giảm bình quân tại TP.HCM là 7%/năm, tại Hà Nội là 5%/năm.
Tại Hà Nội, thời kỳ hoàng kim nhất của xe buýt là giai đoạn 2000 - 2009 khi sản lượng tăng từ 10,69 triệu khách/năm lên tới 413,1 triệu khách/năm nhờ những nỗ lực của chính quyền TP từ việc gia tăng mạng lưới đến giá vé rẻ nhờ trợ giá. Nhưng sự thăng trầm và xu hướng giảm liên tục của xe buýt tại Hà Nội cũng đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có hướng đột phá để giải quyết.
Tương tự tại TP.HCM, giai đoạn từ 2012 - 2017, sản lượng hành khách giảm đều qua các năm. Năm 2017 sản lượng vận tải công cộng bằng xe buýt đạt 306,6 triệu khách, giảm 25% so với năm 2012. Xe buýt dù được TP.HCM trợ giá rất nhiều cũng đang phải vật lộn trong khó khăn. Từ đầu năm 2018 tới nay, Sở GTVT TP.HCM đã phải cho tạm ngưng hoạt động nhiều tuyến buýt vì nhu cầu đi lại trên tuyến thấp, không đảm bảo chi phí duy trì hoạt động như tuyến buýt trợ giá 149 hay 2 tuyến buýt số 37 và tuyến 60.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), cho biết sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt năm 2018 tăng nhưng chưa đạt so với định mức đặt ra. Đáng chú ý, 30% số tuyến có sản lượng tăng, nhưng có đến 40% số tuyến và nhánh tuyến có xu thế giảm sản lượng.
Theo ông Hải, nguyên nhân buýt tăng trưởng chậm do chất lượng dịch vụ chưa đủ sức hút, thường xuyên chịu ảnh hưởng của ùn tắc giao thông khiến thời gian lộ trình chạy tuyến bị kéo dài. Thống kê cho thấy, năm 2018, có hơn 700 lượt xe buýt phải bỏ lượt do tắc đường, số chuyến bị điều chỉnh giờ lên tới hơn 150.000 lượt xe, số chuyến phải quay đầu là hơn 24.000 lượt...
Thậm chí, có những tuyến buýt mở ra phải 3 năm mới quen khách, nhưng hiện có một số tuyến điều chỉnh quá nhiều để phục vụ thi công hạ tầng, dẫn đến sụt giảm hành khách. Thêm vào đó, nghịch lý là giờ cao điểm xe buýt đông khách, nhưng cũng vì quá đông nên nhiều người sợ xe buýt.

Nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật cho biết hạ tầng phục vụ xe buýt mới chỉ có 12% các điểm dừng có nhà chờ, trong khi thời gian chuyến đi kéo dài khiến xe buýt mất dần sức hấp dẫn. Thậm chí, nếu như trước kia, giá vé xe buýt rẻ là một lợi thế thì hiện nay sức hút này cũng giảm dần do sức cạnh tranh của các loại xe ôm công nghệ có mức giá khuyến mãi rất rẻ.
Theo TS Trần Hữu Minh - Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, quy hoạch và đặc biệt hạ tầng đã không được chuẩn bị cho việc vận hành ở công suất lớn hơn, hệ thống xe buýt đã bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ. “Tình trạng hành khách không lên được xe buýt do quá tải (có tuyến quá tải từ 140 - 200%), không gian đi bộ không liên tục, bất tiện và thiếu hụt ở khắp nơi, phương tiện ngày càng cũ, xuất hiện những vấn đề về an ninh và an toàn với hành khách đi xe buýt, thời gian đi lại bằng xe buýt dài hơn... Không có gì ngạc nhiên sau khi đạt cột mốc 416 triệu vào năm 2012, sản lượng của Transerco đang có xu hướng đi xuống”, ông Minh cho biết và khuyến nghị nếu không tăng cường chất lượng xe buýt, người dân sẽ tiếp tục sử dụng xe cá nhân và hệ thống GTVT thủ đô sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: vận tải cá nhân thuận tiện - ùn tắc giao thông - vận tải công cộng kém chất lượng - người dân tiếp tục sử dụng vận tải cá nhân.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng để hấp dẫn hành khách trở lại, phải xóa bỏ được những rào cản khiến hành khách đang quay lưng lại với buýt như sai giờ, chạy chậm, chuyến đi bị kéo dài, hình ảnh thiếu thân thiện... Trước đây, người dân chê xe buýt cọc cạch cũ nát, nhả khói đen đầy đường, rồi chạy như hung thần đường phố, nhưng nay những cái chê đó đã được cải thiện nhiều. Khách đã gắn bó thì không bỏ buýt, nhưng làm thế nào để hấp dẫn thêm khách là vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.