Sáng nay (23.7), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ký Chỉ thị khẩn số 12 tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Hiện xe công nghệ chỉ giao hàng và đi chợ hộ
Theo đó, TP.HCM sẽ siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
Trao đổi với Thanh Niên sau khi Chỉ thị được ban hành, ông Nguyễn Việt Linh, Giám đốc truyền thông BeGroup cho biết các bộ phận quản lý của công ty cũng đang nghiên cứu, chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ Sở GTVT TP.HCM để quyết định triển khai các dịch vụ trong thời gian tới.
Kể từ ngày 9.7 khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ứng dụng gọi xe Be chỉ còn duy trì hoạt động 2 dịch vụ là giao hàng, đi chợ hộ và ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt. Trong 2 ngày 13 và 14.7, Be nhận được yêu cầu về giao hàng và đi chợ hộ tại TP.HCM tăng 1.000% (gấp 10 lần) mỗi khung giờ, so với mức trung bình của các ngày gần kề trước đó. Bên cạnh đó, Be đang có chương trình hỗ trợ tài xế beCar chuyển đổi tạm thời sang dịch vụ beBike để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch nhưng mọi phương án tiếp theo vẫn phải chờ đợi theo hướng dẫn cụ thể của Sở GTVT TP.
Tương tự, đại diện Grab và Gojek cũng thông tin đang chờ đợi hướng dẫn chi tiết từ UBND TP, Sở GTVT để xây dựng kế hoạch điều chỉnh hoạt động của các dịch vụ đáp ứng đúng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Hiện tại, các hoạt động giao nhận hàng hóa, đi siêu thị, đi chợ hộ vẫn được Grab và Gojek thực hiện bình thường.
Vận tải hàng hóa bối rối chờ hướng dẫn mới
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải hành hóa lại có phần "vất vả" hơn vì mới hôm qua (22.7), Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản cho phép các phương tiện vận chuyển hàng hóa là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh có lộ trình đi vào, đi ra từ TP.HCM, chỉ lưu thông trong phạm vi giữa 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì không cần đăng ký cấp Giấy nhận diện phương tiện (có mã QR).
Tuy nhiên theo chỉ đạo từ Chỉ thị 12, chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận tải hàng hóa có mã (QR code) nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào thành phố hoặc lưu thông qua thành phố; các xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố (12 chốt, trạm cấp thành phố và các chốt, trạm cấp quận, huyện và thành phố Thủ Đức).
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết các doanh nghiệp trong Hiệp hội đều đang chờ hướng dẫn mới của UBND TP về hoạt động vận tải trong nội thành cũng như liên tỉnh sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 12. Đối với các hoạt động vận tải hàng hóa hiện nay, tuy về mặt chủ trương chung của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều thống nhất ưu tiên, tạo "luồng xanh" vận chuyển hàng hóa nhưng thực tế mỗi tỉnh có quy định trong phạm vi địa phương khác nhau, các Chỉ thị thực hiện còn độ trễ, chưa đồng bộ kịp thời, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
"Hy vọng thành phố sẽ sớm có phương án triển khai cụ thể và các tỉnh, thành phía Nam cũng nhanh chóng thống nhất, triển khai đồng bộ quy định để tạo thuận lợi nhất cho hàng hóa di chuyển, phục vụ đời sống người dân" - vị này nói.
Bình luận (0)