Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo tiến độ thực hiện và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí trên địa bàn Thành phố.
Theo cơ quan này, từ tháng 10.2018, hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng (ETC) đã bắt đầu đưa vào hoạt động tại 2 trạm thu phí trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, trạm BOT An Sương - An Lạc trên tuyến Quốc lộ 1, quận Bình Tân do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật IDICO làm chủ đầu tư đã hoàn thiện 8 làn thu phí ETC và duy trì 2 làn thu MTC (thu phí 1 dừng) cho 2 chiều lưu thông, chính thức hoạt động từ 27.10.2018; trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (quận 2) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư đã hoàn thành toàn bộ 8 làn thu phí ETC (2 chiều lưu thông) và duy trì 6 làn thu MTC cho 2 chiều lưu thông, hoạt động từ 23.3.2020.
Qua quá trình theo dõi, lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM đánh giá hệ thống sử dụng thẻ đầu cuối có tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, chính xác với tốc độ phương tiện lưu thông cao, hệ thống tương đối ổn định. Hệ thống thu phí ETC đã phát huy hiệu quả cao trong việc nâng cao năng lực thông hành tại khu vực trạm thu phí, giảm thời gian lưu thông, đặc biệt đối với các trạm thu có mặt bằng rộng, tổ chức làn riêng biệt cho các phương tiện sử dụng dịch vụ ETC.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hệ thống thu phí tự động cũng phát sinh một số bất cập, hạn chế. Số lượng phương tiện giao thông sử dụng dịch vụ thu phí ETC còn thấp. Đơn cử, từ lúc đưa vào hoạt động đến nay, trạm thu phí An Sương - An Lạc ghi nhận số lượng xe sử dụng ETC chỉ chiếm 3,66% tổng số lượt xe lưu thông qua trạm. Với trạm thu phí cầu Phú Mỹ, số lượng này chỉ chiếm 24%.
Đồng thời, hiện nay, vẫn chưa có quy định bắt buộc tất cả xe phải dán thẻ đầu cuối, mở và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Hệ thống thu phí ETC cũng ghi nhận nhiều trường hợp xe đã dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản nhưng không nộp tiền vào tài khoản.
"Việc liên thông giữa các trạm thu phí trên địa bàn TP.HCM với các trạm thu phí thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như các tuyến đường cao tốc kết nối với thành phố (như tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), trạm thu phí tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chưa được thực hiện đồng bộ nên chưa phát huy hiệu quả của hệ thống thu phí ETC đã lắp đặt" - báo cáo của Sở GTVT TP.HCM nêu rõ.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, sớm trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến việc bắt buộc ô tô tham gia giao thông phải thực hiện dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi qua các trạm thu phí đã được lắp đặt hệ thống.
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ETC cần đơn giản hóa các thủ tục dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản và nộp tiền vào tài khoản trả trước; nghiên cứu phương án cho phép người dùng đăng ký mở tài khoản trực tuyến thông qua smartphone, tablet, máy tính cá nhân… và bổ sung phương thức thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ trực tiếp thông qua tài khoản ngân hàng của cá nhân, doanh nghiệp (thay vì phải nộp tiền vào tài khoản trả trước).
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Tổng cục có ý kiến với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và đơn vị quản lý các tuyến đường cao tốc, các tuyến quốc lộ, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hệ thống thu phí không dừng ETC trên địa bàn (đặc biệt là đối với các khu vực có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, các đầu mối hàng hóa lớn tập trung lưu lượng phương tiện lưu thông trong vùng...).
Bình luận (0)