Xem xét tác động môi trường của dự án giấy ở Hải Phòng

12/07/2018 07:37 GMT+7

Thông tin Tập đoàn giấy Cửu Long (Trung Quốc) muốn lập một siêu dự án giấy trị giá 800 triệu USD ở Hải Phòng đang gây lo ngại về vấn đề môi trường.

Ý trên được bà Zhang Yin, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn giấy Cửu Long, nói trong cuộc làm việc ngày 5.7 với ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng. Cụ thể, tập đoàn này sẽ đầu tư khoảng 800 triệu USD làm dự án sản xuất giấy và bột giấy tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Dự án với công nghệ được cho là của châu Âu gồm hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ 5 bậc, hệ thống xử lý khí thải trang bị xây dựng lò hơi than cám có thiết bị khử bụi tĩnh và hệ thống tải tro lực hơi. Sản phẩm của dự án phục vụ xuất khẩu 60%, 40% còn lại tiêu thụ nội địa.
“Dự án không gây ô nhiễm môi trường”, Báo Hải Phòng dẫn lời bà Zhang Yin. Tập đoàn giấy Cửu Long thành lập năm 1995, đặt trụ sở tại Quảng Đông (Trung Quốc), chuyên sản xuất giấy đóng gói hiện đại dùng giấy phế liệu đạt tiêu chuẩn môi trường lớn nhất thế giới. Tại Trung Quốc, tập đoàn sở hữu 37 dây chuyền sản xuất giấy đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất 13,58 triệu tấn/năm. Tại VN, tập đoàn đầu tư một nhà máy tại Bình Dương.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng trả lời: Sau khi có kết quả đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường, TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện các thủ tục đầu tư của tập đoàn.
Với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD, theo bà Zhang Yin, Tập đoàn giấy Cửu Long chuyên sản xuất giấy đóng gói (bao bì - PV) từ giấy phế liệu. Các chuyên gia cho rằng giấy bao bì là loại chất lượng, phẩm cấp, giá trị thấp nhất trong các sản phẩm giấy. Nguyên liệu làm ra giấy này là giấy phế liệu chứa nhiều thành phần độc hại như: nhựa, mực in, kim loại tạp, bụi bẩn... Muốn sản xuất bao bì phải tốn nhiều công đoạn và hóa chất xử lý.
Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập: Thế giới đánh giá giấy là ngành công nghiệp đứng đầu bảng về gây ô nhiễm. Trước đây, Trung Quốc cho nhập các loại phế thải trong đó có giấy, nhựa về tái chế. Sau một thời gian, họ nhận ra lợi ích kinh tế thu về quá nhỏ, không đủ bù đắp cho thiệt hại môi trường. Chính vì vậy, Trung Quốc ban lệnh cấm nhập phế liệu từ ngày 1.1.2018. Sau lệnh cấm đó, doanh nghiệp nước này chuyển sang các nước lân cận.
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên - môi trường VN, cho rằng các lãnh đạo cấp cao của VN đều khẳng định việc phát triển không đánh đổi môi trường. Để thực hiện tốt chủ trương này, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao như giấy thì báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và tham vấn cộng đồng phải được thực hiện một cách khách quan, trung thực, khoa học.
“Hải Phòng nằm ở vị trí quan trọng và nhạy cảm về môi trường vì có sông có biển và cửa ngõ thông thương với nhiều địa phương khác. Nếu xảy ra sự cố môi trường ở Hải Phòng sẽ tác động lan tỏa rất nhanh”, ông Huỳnh nói.
Theo các chuyên gia, chính vì tính chất nguy hiểm của dự án giấy và tính nhạy cảm về môi trường của Hải Phòng, bên cạnh ĐTM của dự án này Bộ Tài nguyên - Môi trường cần đánh giá tác động môi trường chiến lược để xem xét khả năng chịu tải của môi trường trong chuỗi tác động tích lũy khi có dự án giấy trên. TS Tô Văn Trường lưu ý: ĐTM của những nhà máy này cần phải làm rất cẩn thận. Trong luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có những quy định mới về trách nhiệm của hội đồng thẩm định và người ký duyệt ĐTM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.