Người Việt vẫn sợ thất bại trong kinh doanh
Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao.
Theo ông Bình, điều này đồng nghĩa tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế. “Chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn”, ông Bình khẳng định.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cho thấy, trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công 'bẫy thu nhập trung bình' và trở thành những nước có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Do đó, Việt Nam vẫn cần phải có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Bàn về chủ đề này, TS Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho biết, theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong giai đoạn 2000-2016, đã có trên 1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập. Đáng chú ý là lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp đăng ký trong năm 2016 đã đạt con số trên 100 nghìn, nhất là sau khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập đã có xu hướng giảm đi trong giai đoạn 2011-2014.
Bình quân mỗi năm khoảng gần 7.000 doanh nghiệp thành lập. Những con số này cho thấy phần nào tác động của các chính sách và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ trong năm những năm gần đây.
Theo TS Huân, năm 2013 Việt Nam tham gia vào nghiên cứu GEM (Global Entrepreneurship Monitor) - Chỉ số kinh doanh toàn cầu, chỉ số lo sợ thất bại khi kinh doanh của Việt Nam ở mức rất cao là 56,7%, cao thứ 2 trong số 70 nền kinh tế tham gia khảo sát GEM.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong năm 2014 và 2015 đã giúp dần lấy lại lòng tin của người làm kinh doanh. Chỉ số lo sợ thất bại khi kinh doanh của người Việt Nam đã giảm xuống còn 50,1% năm 2014 và tiếp tục giảm còn 45,6% vào năm 2015. Tuy đã giảm nhưng có thể thấy chỉ số lo sợ thất bại khi kinh doanh của người Việt Nam vẫn còn ở mức cao, xếp thứ 8 trên tổng số 60 nước trong năm 2015.
Vì vậy, để cải thiện hơn nữa TS Huân đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh, kiên quyết loại bỏ các giấy phép con về các điều kiện kinh doanh gây cản trở cho việc kinh doanh. Cần minh bạch hóa các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để người làm kinh doanh có thể tiếp cận các thông tin, sự trợ giúp về kỹ thuật (phi tài chính) cũng như về tài chính.
Đặc biệt, phải tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế để người dân không có “mặc cảm” sẽ bị phân biệt đối xử trong quá trình tiếp cận các nguồn lực kinh doanh.
tin liên quan
Không chỉ là giá rẻThiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng khuyến nghị, Chính phủ cần nắm bắt được làn sóng khởi nghiệp của các doanh nghiệp công nghệ và có các chính sách giúp các doanh nhân vượt qua rào cản về vốn, rủi ro, nguồn nhân lực... để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của mình trong các dự án kinh doanh.
“Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho việc thành lập, hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm. Thực hiện nhiều hình thức đối tác công-tư, kết hợp nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước với nguồn vốn đầu tư của tư nhân để cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, GS Thuấn lưu ý.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, chia sẻ mối quan tâm tới thị trường vốn và việc cải thiện môi trường kinh doanh của Chỉnh phủ khi đang rót khoản đầu tư 2 tỉ USD vào Việt Nam - một thị trường mà có sự góp mặt của nhiều “ông lớn” như SamSung, Intel, có lao động dồi dào, giá vừa phải cùng một vị trí hết sức chiến lược trong khu vực.
“Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của các Tập đoàn là thang thiếu đi nguồn nhân lực chất lượng cao, không có các cơ sở đào tạo nguồn lực này. Do đó, khi đầu tư vào các doanh nghiệp có triển vọng, chúng tôi phải bê nguyên bộ máy lãnh đạo vào. Đây là rào cản rất lớn”, ông Andy Ho kiến nghị.
Về cơ sở hạ tầng, Giám đốc Vinacapital khuyến nghị, Việt Nam nên đẩy nhanh tiến độ và cần xem các khoản đầu tư của Nhà nước như vốn mồi để thu hút các khoản đầu tư khác. “Nếu Việt Nam phát triển hạ tầng nhanh, đồng bộ thì dự án đầu tư sẽ vào nhiều và hiệu quả hơn”, Andy Ho nhận định.
Bình luận (0)