Xử lý hơn 30.000 gian hàng trên chợ điện tử ‘thổi giá’ khẩu trang y tế

19/02/2020 18:49 GMT+7

Thời gian qua đã có hàng ngàn gian hàng trên các sàn thương mại điện tử bị xử lý do tăng mạnh giá các sản phẩm khẩu trang y tế, nước rửa tay hay dung dịch sát khuẩn.

Ngày 19.2, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố việc kiểm soát các sản phẩm, hàng hóa phòng dịch Covid-19 trên một số website thương mại điện tử. Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Chotot, Vatgia, Fado… đã phối hợp với Cục Thương mại điện từ và Kinh tế số thường xuyên rà soát các gian hàng bán sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch. Tổng cộng các sàn đã rà soát 223.597 gian hàng với hơn 1 triệu sản phẩm, trong đó xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.
Cụ thể như Shopee đã xử lý trên 2.000 gian hàng với gần 3.000 sản phẩm khẩu trang và khẩu trang y tế rao bán có mức giá cao bất thường so với giá thị trường. Bên cạnh đó xử lý trên 300 gian hàng với 400 sản phẩm gel rửa tay khô. Còn Lazada đã xử lý hơn 100 gian hàng nâng giá bán gần 300 khẩu trang y tế và gần 20 gian hàng bán dung dịch rửa tay khô có trên 40 sản phẩm. Đồng thời Tiki cũng xử lý trên 22 gian hàng với 550 khẩu trang lợi dụng dịch bệnh Covid-19 tăng giá bán; xử lý 12 gian hàng với gần 300 sản phẩm gel rửa tay khô tăng giá bất hợp lý…
Ngay từ đầu tháng 2, trước hiện tượng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới đã găm hàng và nâng giá bán khẩu trang y tế và nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn và hàng hóa phục vụ phòng dịch khác với giá cao gấp nhiều lần để trục lợi, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các tổ chức sở hữu website thương mại điện tử phải kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website các hàng hóa phục vụ phòng dịch nâng giá như phản ánh (nếu có).
Đồng thời các sàn thương mại điện tử phải chủ động triển khai các biện pháp kỹ thuật/bộ lọc, nhân sự kiểm duyệt... nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm, xử lý mạnh tay đối với người bán vi phạm, không để lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.