Xử tội làm giá cổ phiếu vẫn đếm đầu ngón tay

17/11/2018 18:46 GMT+7

Chỉ có 2 vụ án thao túng giá cổ phiếu được đưa ra xét xử sau 18 năm kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời.

Điển hình của làm giá cổ phiếu
Phiên tòa về vụ án thao túng giá cổ phiếu MTM - Công ty cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung - đang diễn ra từ ngày 14 - 20.11 tại Hà Nội. Đây là vụ án thứ 2 về tội danh này được xét xử, sau phiên tòa đầu tiên xét xử ông Lê Văn Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Viễn Đông (DVD) với cùng tội danh vào cuối năm 2011. Kết quả ông Lê Văn Dũng nhận án 4 năm tù giam.
Cụ thể, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xử sơ thẩm bị cáo Trần Hữu Tiệp (sinh năm 1983, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung - Công ty MTM) và 14 đồng phạm trong vụ án thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác... liên quan đến cổ phiếu MTM.
Theo cáo trạng, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Nari Hamico) mua lại hồ sơ pháp lý của Công ty MTM. Doanh nghiệp này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỉ đồng); làm giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỉ đồng… nhằm đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhưng trong lúc đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM, thì tháng 5.2015, Nguyễn Văn Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ở một vụ án khác.
Ngay sau đó, Công ty MTM vội rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, tháng 6.2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (hiện bỏ trốn) lại thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý này.
Cáo trạng xác định, tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện (tháng 6.2016) đang có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của doanh nghiệp này. Trong đó, 822 nhà đầu tư đã có đơn đề nghị làm rõ thiệt hại.
Với thủ đoạn nêu trên, Trần Hữu Tiệp cùng các đồng phạm đã thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng cổ phiếu MTM. Ví dụ chỉ đạo một số bị cáo sử dụng 59 tài khoản giao dịch chứng khoán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỉ đồng, trong đó lừa đảo chiếm đoạt hơn 53 tỉ đồng của các nhà đầu tư cổ phiếu MTM. Ngoài ra, Tiệp còn có hành vi lừa bán cổ phiếu của MTM cho 2 người khác để chiếm đoạt 355 triệu đồng... Hiện phiên tòa vẫn đang tiếp tục xét xử.
Làm giá cổ phiếu khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường chứng khoán Đậu Tiến Đạt
Khó xác định số tiền thu lợi bất chính?
Ngoài vụ án DVD và MTM đã được xét xử, cuối năm 2017 cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.Hà Nội cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thao túng giá cổ phiếu CDO của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế và phát triển đô thị. Cá nhân cầm đầu trong vụ án này là bà Nguyễn Vân Giang, nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty chứng khoán Đông Á. Vụ án này chưa đưa ra xét xử.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có gần 10 trường hợp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm về hành vi thao túng giá cổ phiếu. Hầu hết các trường hợp này đều chỉ bị phạt hành chính ở mức cao nhất là 550 triệu đồng và được xác định hậu quả gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Duy nhất trường hợp mới xảy ra vào ngày 9.11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt ông Bùi Ngọc Bút (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC) 550 triệu đồng. Đồng thời, cá nhân này còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên là hơn 149,88 triệu đồng. Tổng cộng số tiền ông Bùi Ngọc Bút phải nộp là gần 700 triệu đồng.
Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính ở mức cao nhất theo quy định hiện hành về tội danh này, nhưng vẫn chưa đủ ngăn ngừa nhiều người khác tiếp tục làm giá cổ phiếu. Đặc biệt liên quan đến xác định mức lợi thu được trong quá trình làm giá cổ phiếu, cơ quan quản lý nhà nước đều cho biết không có nhưng theo một chuyên gia chứng khoán khẳng định, hành vi làm giá cổ phiếu nào cũng mang lại số lời cho người thực hiện. Rất hiếm có việc làm giá cổ phiếu mà bị thua lỗ vì họ đã chủ động thực hiện, đẩy giá hay dìm giá cổ phiếu đều trong kế hoạch. Đó là chưa kể, nếu bản thân người vi phạm đó không thể hiện rõ thì sẽ có một số nhà đầu tư liên quan, cùng nhóm lợi ích mà cơ quan quản lý nhà nước chưa xem xét tới hay không? Vị chuyên gia này nhấn mạnh: Nói đơn giản, nếu không thu được lợi gì thì ai mất công đưa ra kịch bản làm giá cổ phiếu? Bởi càng giao dịch nhiều họ sẽ càng bị mất phí môi giới, chi phí vốn đổ vào các tài khoản để mua bán lòng vòng...
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường đại học Tài chính Marketing, cho rằng với tình trạng các vụ thao túng giá cổ phiếu diễn ra liên tục, chỉ cần xác định là hành vi thao túng giá chứng khoán cần phải xử phạt nặng hơn, thậm chí có thể truy tố hình sự. Bởi việc tạo cung cầu giả tạo khiến cổ phiếu biến động rất lớn chắc chắn đã làm thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư khác và làm sụt giảm niềm tin vào thị trường chứng khoán. Chỉ có xử phạt nặng mới đủ sức răn đe những người khác có hành vi tương tự.
Tăng mức phạt trong chứng khoán
Dự thảo luật Chứng khoán (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, quy định về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt tiền tối đa trong trường hợp vi phạm lần đầu và tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp xử lý quy định tại luật này. Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng trao quyền cho Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.