Xuất khẩu gỗ đặt mục tiêu 20 tỉ USD

09/08/2018 08:23 GMT+7

"Trong 10 năm tới, VN phải trở thành trung tâm sản xuất kinh doanh các sản phẩm gỗ có thương hiệu trên thế giới, xuất khẩu các sản phẩm gỗ phải đạt 18 - 20 tỉ USD vào năm 2025”

Đó là mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua 8.8 tại TP.HCM.
Thiệt thòi vì bán "rừng non"
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của VN đạt trên 8 tỉ USD, tăng 10% so với năm trước, “về đích” trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020. VN trở thành nước xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đứng đầu ASEAN, thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và xếp hạng 5 thế giới với 6% thị phần toàn cầu. Đặc biệt, nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới, phần nội thất, kiến trúc gỗ do doanh nghiệp (DN) VN đảm nhận.
Tập trung làm tốt tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, DN thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang rừng trồng. Kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: Trước đây, ngành chế biến gỗ VN phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhưng năm 2017, lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước đạt 25 triệu m3, đáp ứng đến 75% nhu cầu, giúp các DN chủ động nguồn nguyên liệu, gián tiếp ổn định đời sống người dân làm nghề rừng, hạn chế tình trạng phá rừng tự nhiên.
Dù vậy, ngành gỗ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, đó là tình trạng xuất khẩu nguyên liệu sản phẩm thô vẫn còn nhiều. Mỗi năm VN xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn dăm gỗ, tương đương 16 triệu m3 gỗ, chủ yếu sang Trung Quốc và một phần sang Nhật Bản làm nguyên liệu sản xuất giấy. “Đây là hình thức bán “rừng non” giống như bán lúa non. Bán non nên doanh thu từ mặt hàng này lên tới cả tỉ USD nhưng tỷ suất lợi nhuận thu về chỉ vài ba phần trăm, không đáng kể”, ông Hoài nói.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc điều hành Công ty Scansia Pacific, thừa nhận tình trạng này và phân tích: Rừng trồng 10 tuổi là “đẹp” nhất để khai thác, chế biến. Thời điểm này giá trị lên đến trên 200 triệu đồng/ha nhưng người trồng rừng của VN thường bán khi rừng mới 5 - 6 tuổi, giá trị chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ha. Không chỉ mang lại giá trị thấp, bán rừng non người dân còn tốn rất nhiều tiền để tái đầu tư trồng mới, tính ra lợi nhuận thấp hơn nhiều so với khai thác đúng tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Thắng, do một mặt người dân trồng rừng cần tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, mặt khác họ không chắc chắn để rừng đến 10 tuổi sẽ có DN thu mua hay không. Để giải quyết bài toán này, Scansia Pacific đã tổ chức nông dân trồng rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC), cam kết thu mua gỗ đúng tuổi với giá cao hơn giá thị trường 20%; trong giai đoạn rừng từ 5 - 10 tuổi hướng dẫn họ tỉa thưa để bán dăm và hỗ trợ cho vay mỗi héc ta 4 triệu đồng/năm. Nhờ vậy mà công ty có nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng để sản xuất.
Bán “không gian sống” thay vì bán bàn ghế
Một vấn đề nổi cộm khác là ngành chế biến gỗ VN vẫn chủ yếu gia công xuất khẩu cho các nước, sản phẩm mang thương hiệu Việt còn rất hạn chế. Một chuyên gia ví von tình trạng này là chúng ta đang bán từng cái bàn, cái ghế thay vì bán ý tưởng, không gian sống cho khách hàng. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, đó là lý do vì sao VN xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới và xuất khẩu vào Mỹ rất nhiều nhưng VN cũng là nước nhập khẩu gỗ từ Mỹ đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Không quên thị trường nội địa
Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Các hạn chế mà các đại biểu chỉ ra chính là dư địa để chúng ta khắc phục để phát triển. Mục tiêu của ngành đến năm 2025 phải xuất khẩu đạt 18 - 20 tỉ USD, cao hơn con số 15 tỉ USD Bộ NN-PTNT đặt ra.
Để đạt được con số đó, Thủ tướng chỉ đạo: Đầu tiên, các bộ, ngành, địa phương, DN phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả luật Lâm nghiệp năm 2017. Coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Cụ thể thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tất cả các công đoạn trong chuỗi giá trị. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước. Nghiên cứu sự phát triển của ngành bất động sản toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do… là cơ hội tốt để ngành gỗ VN xâm nhập thị trường thế giới. Khai thác thị trường thế giới nhưng không được “bỏ quên” thị trường 100 triệu dân trong nước. Tập trung làm tốt tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, DN thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang rừng trồng. Kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp.
“Sau hội nghị hôm nay, sẽ ban hành chỉ thị để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng kết luận.
Kiên quyết trừng trị lâm tặc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong thời gian tới, kiên quyết thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng tự nhiên; không cho phép phá rừng tự nhiên, rừng nghèo để trồng cây công nghiệp. Bên cạnh đó xử lý nghiêm lâm tặc.
Để khuyến khích việc trồng rừng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước, Thủ tướng vừa ký quyết định xuất cho tỉnh Thanh Hóa trên 50.000 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.