Xuất siêu kỷ lục gần 10 tỉ USD, GDP vượt 7%

27/12/2019 16:58 GMT+7

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chiều 27.12 cho thấy, bức tranh kinh tế năm 2019 khá rực rỡ, thể hiện qua số liệu tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu ấn tượng.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra là từ 6,6 - 6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Mức tăng này, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, bởi tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu...
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.
Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Tốc độ tăng trưởng GDP vượt 7% lần thứ 2 kể từ năm 2011

Ảnh Ngọc Thắng

Về hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỉ USD. Trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu, với tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỉ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu. Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 263,45 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm 2018; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 253,51 tỉ USD, tăng 7% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 108,01 tỉ USD, tăng 13,8%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12, theo thống kê, tăng 1,4% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua.
Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất (3,42%) do dịch tả lợn châu Phi làm nguồn cung thịt lợn giảm, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thay thế thịt lợn tăng.
Tuy nhiên, bình quân năm 2019, CPI chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.