Tài chính là ngành nghề 'hot' nhất năm 2019

31/10/2018 18:59 GMT+7

Trong danh sách 10 ngành nghề được dự báo có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2019, tài chính/đầu tư là ngành nghề “hot” nhất, trong khi hành chính/thư ký được dự báo ngành nghề có nguồn cung lao động nhiều nhất.

Đây là thông tin được Tập đoàn Navigos Group công bố chiều nay, 31.10, trong Báo cáo về nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung lao động trong năm 2018 và dự báo năm 2019”.
33% doanh nghiệp có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự
Dựa trên việc phân tích các công việc đăng tuyển và hồ sơ ứng tuyển trên www.vietnamworks.com - trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam dự báo, danh sách top 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 bao gồm: tài chính/đầu tư, bán hàng, hành chính/thư ký, kế toán, IT/phần mềm, marketing, chăm sóc khách hàng, kiểm toán, internet/online media và xây dựng.
Hành chính/thư ký được dự báo đứng đầu trong 10 ngành nghề có nguồn cung lao động nhiều nhất trong năm tới. Đây cũng là ngành nằm trong top 3 được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong năm 2019.
Về nhu cầu nhân lực, theo VietnamWorks, 74% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên trong năm 2019. Trong đó, 33% doanh nghiệp có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng cao trên 30%. Trong số doanh nghiệp còn lại, có 33% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 10 - 20% và 26% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 20 - 30%.
Khi khảo sát người lao động về lý do khiến họ sẽ chuyển việc trong năm 2019, có 3 lý do lớn nhất là: không có cơ hội thăng tiến; không hài lòng với mức lương; đào tạo và phát triển không đúng cách.
Nhiều ngành đứng trước nguy cơ thừa nhân lực
Bên cạnh một số ngành có dự báo có nhu cầu tuyển dụng cao, qua khảo sát thống kê của Vietnamworks cũng cho thấy nhiều ngành nghề đứng trước nguy cơ dư thừa nguồn nhân lực trong tương lai gần, bao gồm: bán sỉ/bán lẻ, hoạch định/dự án, thu mua/vật tư/cung vận và quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại.
Mặc dù các ngành này không nằm trong danh sách top 10 các ngành tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng, nhưng lại trong danh sách top 10 ngành nghề có nguồn lao động tăng trưởng mạnh nhất.
Thống kê về ngành nghề có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất trong cả nước cho thấy lĩnh vực thu mua/vật tư/cung vận đang đứng đầu với tỷ lệ 1/82 (có nghĩa cứ 1 người tìm việc trong lĩnh vực này sẽ phải cạnh tranh với 81 người khác). Điều này cho thấy có thể đây là ngành sẽ rơi vào tình trạng thừa nhân lực khi ngành này vừa nằm trong top 10 ngành nghề có nguồn cung lao động tăng trưởng mạnh nhất (đứng thứ 9), lại vừa đứng đầu danh sách những ngành nghề có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất trong năm 2018.
Với tỷ lệ 1/59 (cứ 1 người tìm việc phải cạnh tranh với 58 người khác), Hưng Yên hiện đang là địa điểm có sự cạnh tranh cao nhất về lao động trên thị trường. Hưng Yên cũng liên tiếp nằm trong top 10 địa điểm có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (đứng thứ 8), top 10 địa điểm có nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng mạnh nhất (tăng 8%, đứng thứ 5), đồng thời đây cũng là địa điểm đứng thứ 6 cả nước có nguồn cung lao động cao nhất.  
Trong danh sách top 10 địa điểm có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất, TP.Hồ Chí Minh vẫn duy trì vị trí đứng đầu cả về nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất và nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng mạnh nhất dựa trên chỉ số công việc đăng tuyển với 15%. Đáng chú ý, mặc dù Hà Nội đứng thứ 2 về nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2018, nhưng chỉ đứng thứ 8 với 3% tăng trưởng.
72% nhu cầu tuyển dụng dành cho lao động có kinh nghiệm
Dựa trên phân tích các công việc đăng tuyển và hồ sơ ứng tuyển trên www.vietnamworks.com, báo cáo cho biết, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến trên toàn quốc năm 2018 tăng 11% so với năm 2017. Tuy nhiên, nguồn cung lao động trực tuyến trong năm nay chỉ tăng 5% so với năm 2017. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của nguồn cung chỉ bằng gần một nửa nguồn cầu.
Số liệu của báo cáo cho thấy, công việc dành cho người có kinh nghiệm vẫn đang thống trị thị trường tuyển dụng năm 2018, chiếm 72% nhu cầu tuyển dụng. Tiếp theo lần lượt là công việc cho cấp quản lý (trưởng phòng) chiếm 17%, sinh viên mới ra trường chiếm 8% và giám đốc chiếm 3%.
Về nguồn cung lao động, ứng viên có kinh nghiệm chiếm 73%, cấp trưởng phòng chiếm 18%, sinh viên mới ra trường chiếm 6% và giám đốc chiếm 3%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.