Những nhìn nhận thiếu khách quan về lãi suất, thậm chí đồng nhất tín dụng tiêu dùng với “tín dụng đen” đã khiến tài chính tiêu dùng trở nên “méo mó”. Nhưng đâu mới thực sự là câu trả lời cho người tiêu dùng Việt Nam?
Trước hết cần khẳng định: dịch vụ tài chính tiêu dùng xuất hiện là do nhu cầu của xã hội - một nhu cầu được đánh giá là rất lớn và đang có xu hướng gia tăng những năm gần đây. Nếu như những hình thức cung cấp tài chính với món vay nhỏ từ trước đến nay mới được triển khai trong hệ thống mang tính chính sách xã hội như: quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng chính sách xã hội, hệ thống ngân hàng nông nghiệp với chính sách cho vay hộ nông dân,… thì nay không ít tổ chức tín dụng thương mại cũng đang rất quan tâm đến thị trường này.
Mới đây, một tổ chức nghiên cứu độc lập – Công ty StoxPlus vừa công bố báo cáo về thị trường tài chính tiêu dùng năm 2015, theo đó cho biết quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD; trong đó Home Credit, FE Credit, HD Saison… là những doanh nghiệp đang đi đầu trên thị trường tài chính tiêu dùng tín chấp với đối tượng phục vụ chính là khách hàng dưới chuẩn cho vay của các ngân hàng.
Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung bị chững lại, có lúc tăng trưởng rất ì ạch thì các công ty tài chính này vẫn luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Chính vì thế, chỉ trong hai năm gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng nước ta đã tăng 18% về mặt quy mô so với những năm trước đó. Với tốc độ tăng trưởng bình quân như vậy, có thể hình dung được về một nhu cầu rất lớn của xã hội về tài chính tiêu dùng.
Điểm nổi bật của dịch vụ tài chính tiêu dùng mà các công ty này đang cung cấp là gần như 100% món vay được cho vay tín chấp, khách hàng chỉ cần có chứng minh thư, nếu đang làm việc tại cơ quan nhà nước thì chỉ cần xác nhận bảng lương… là đã có thể vay tiền. Và đối tượng của họ chủ yếu là người có thu nhập thấp như sinh viên, nội trợ, người buôn bán nhỏ, công chức hành chính… Với điều kiện dễ dàng như vậy, các công ty tài chính dễ dàng tiếp cận khách hàng có nhu cầu vay vốn.
Đặc biệt những năm gần đây khi thương mại điện tử phát triển mạnh, các dịch vụ thanh toán điện tử nở rộ cho phép người vay lẫn người cho vay giao dịch qua mạng rất thuận tiện, thì loại hình cung cấp tín dụng này lại càng phát triển.
Thế nhưng, trên thực tế các dịch vụ tài chính tiêu dùng như cho vay nóng, vay mua xe máy, điện thoại, đồ dùng hoặc các nhu cầu cá nhân cấp bách khác như chữa bệnh, nhập học, du lịch …. mới chỉ phát triển mạnh ở khu vực đô thị, và vẫn còn khá nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Do đặc thù là cho vay tín chấp, khách hàng không có tài sản bảo đảm, các công ty tài chính phải trích lập dự phòng rủi ro, mặt khác nguồn vốn của các công ty tài chính chủ yếu là vốn vay từ các ngân hàng thương mại nên lãi suất tới tay người tiêu dùng cao hơn so với mức cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại. Và mặc dù Luật các tổ chức tín dụng đã quy định tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, nhưng vẫn xảy ra trường hợp một số khách hàng khi vay vốn đã không tìm hiểu kỹ, dẫn đến tình trạng khiếu nại gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các công ty cho vay tài chính tiêu dùng.
Chính vì những lý do đó, rất cần một hệ thống cơ chế chính sách phù hợp để hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển minh bạch, hiệu quả trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, từ đó góp phần tăng trưởng ổn định kinh tế xã hội và minh bạch thị trường vốn. Làm được như vậy, các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ vững mạnh nhờ đi bằng hai chân trong bối cảnh một thị trường tài chính dễ phải chịu những tác động bên ngoài như hiện nay
Bình luận (0)