Gia tăng khả năng cạnh tranh nhờ tái cơ cấu
Kinh tế biến động cùng với những thay đổi trong chính sách tiền tệ và áp lực cạnh tranh khốc liệt đã đặt các ngân hàng trước thách thức phải thích ứng liên tục. Tái cơ cấu trở thành con đường tất yếu giúp các tổ chức tài chính điều chỉnh mô hình kinh doanh, cải thiện hiệu quả hoạt động và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Tại Việt Nam, làn sóng tái cơ cấu ngân hàng bùng nổ từ năm 2011. Nhiều ngân hàng yếu kém đã bị sáp nhập hoặc tái cơ cấu dưới sự giám sát. Mới đây, các ngân hàng đã được chuyển giao cho các ngân hàng khác. Bên cạnh việc sáp nhập, bản thân các ngân hàng cũng tự tái cơ cấu để tăng tính cạnh tranh và hướng đến những giai đoạn phát triển đột phá.
Từ đầu năm 2024, các ngân hàng lớn đã trình cổ đông phương án tái cơ cấu theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình tái cơ cấu của nhiều ngân hàng, sự hiện diện của cổ đông lớn đóng vai trò then chốt, quyết định thành bại của các kế hoạch đổi mới và phát triển. Sự hợp tác này tạo ra động lực mạnh mẽ để ngân hàng tăng tốc trong hành trình nâng cao vị thế cạnh tranh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư cũng như khách hàng.
Bước ngoặt quan trọng trong quá trình tái cơ cấu của Eximbank
Ra đời từ năm 1989 và trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam, Eximbank đã trải qua cả một thập kỷ chưa có nhiều bước đột phá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự tham gia của các cổ đông lớn, ngân hàng đang từng bước tái cơ cấu, dần lấy lại vị thế trên thị trường.
Báo cáo quý 3/2024 ghi nhận lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 904 tỉ đồng, tăng 11% so với quý 2 và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) luôn ở ngưỡng 12-14%, cao hơn mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Bước đi quan trọng đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu của Eximbank là quyết định chuyển trụ sở ra miền Bắc. Ngày 28.11 vừa qua, Eximbank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 tại Hà Nội. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt khi các cổ đông Eximbank chính thức thông qua quyết định chuyển Hội sở chính từ TP.HCM ra TP. Hà Nội. Không chỉ thể hiện chiến lược mở rộng quy mô ra toàn quốc và tăng cường nhận diện thương hiệu tại khu vực miền Bắc, động thái này còn cho thấy quyết tâm tạo nên một khởi đầu mới, đặt nền móng cho những cải cách chiến lược trong quản trị và vận hành của Eximbank.
Eximbank ưu tiên triển khai các dự án số trên toàn hệ thống, chuẩn hóa và tối ưu quy trình quản lý, vận hành và kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời ứng dụng công nghệ để đổi mới sản phẩm, dịch vụ.
Chia sẻ về giai đoạn phát triển mới của ngân hàng thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Hải – Quyền Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết. "Eximbank kiên định với chiến lược kinh doanh 'khách hàng là trọng tâm, hiệu quả là chính yếu' cùng phương châm 'tận tâm, tận lực, tận cùng'. Đồng thời quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số, sử dụng công nghệ là động lực dẫn dắt sự phát triển của ngân hàng theo chiều sâu và chiều rộng".
Với lịch sử 35 năm hình thành và phát triển, Eximbank đang từng bước chuyển mình khỏi hình ảnh một ngân hàng từng bị đóng băng suốt cả một thập kỷ. Mỗi thay đổi, dù nhỏ nhất, trong quá trình tái cơ cấu không chỉ là sự cần thiết, mà còn là động lực để Eximbank bứt phá, trở lại vị thế một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam với định hướng là một tổ chức phát triển minh bạch, bền vững.
Trước đó, ngày 25.11, Eximbank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng vốn điều lệ lên 18.688 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023. Phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua.
Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nâng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank từ 75 triệu USD lên 115 triệu USD nhờ hoạt động kinh doanh minh bạch và quản trị rủi ro hiệu quả. Sự kiện này giúp Eximbank tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Hiện Eximbank đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành "Ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam, dẫn dắt bởi tính chuyên nghiệp và liêm chính". Đây không chỉ là tầm nhìn chiến lược được ngân hàng công bố, mà còn là kỳ vọng lớn từ khách hàng và các nhà đầu tư.
Để đạt được mục tiêu nói trên, theo các chuyên gia, Eximbank cần tiếp tục tập trung vào tái cơ cấu quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng dịch vụ, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc, ổn định để sớm trở lại vị thế một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam.
"Chỉ cần HĐQT có được sự thống nhất cao về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu ổn định lâu dài, bền vững là Eximbank phát triển đột phá vì ngân hàng này có những lợi thế nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu", PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM, nêu quan điểm.
Bình luận (0)