Tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Hướng tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn

15/10/2021 14:00 GMT+7

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết sắp tới, với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, ngành chăn nuôi sẽ tiến tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn hơn.

Nhiều thách thức

Trả lời báo chí bên lề hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022 do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã “điểm danh” các thách thức đang đặt ra đối với ngành chăn nuôi nước ta.

Theo ông Tiến, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chăn nuôi: thiếu vốn, lưu thông còn có rào cản, chi phí vận chuyển có thời điểm tăng tới 13 lần, tỷ lệ tiêm vắc xin cho lực lượng lao động còn thấp, giá vật tư tăng nhanh và tăng cao…

Trong khi đó, ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, còn tồn tại những khó khăn cố hữu như quy mô còn nhỏ lẻ, hạ tầng chế biến và kho bãi yếu kém, công nghệ cao còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp rất ít… Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng phải đối mặt với các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc và gia cầm, với biến đổi khí hậu…

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thông tin chi tiết hơn, do dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi đã bị đứt gãy khiến giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, trong đó thức ăn chăn nuôi tăng 16 - 36% nhưng giá nông sản lại xuống mức rất thấp. Theo ông Trọng, có thời điểm, có mặt hàng nông sản giá bán chỉ bằng 25 - 30% giá thành. Lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ.

Ngành chăn nuôi đang hướng tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn hơn

Ảnh: Ngọc Thắng

Hướng tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn

Trong khi đó, thời gian qua, theo ông Trọng, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì ổn định.

Cho rằng những khó khăn nêu trên đã làm bộc lộ hết những thách thức và yếu điểm trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi nhưng cũng gợi mở nhiều giải pháp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, sự vào cuộc của các doanh nghiệp,sắp tới ngành chăn nuôi sẽ hướng tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn hơn.

Theo ông Tiến, hội nhập sâu rộng với quốc tế, tham gia vào chuỗi phân phối của thế giới, chúng ta phải đảm bảo được những tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường. “Với thị trường trong nước, nhu cầu về lương thực thực phẩm chất lượng cao cũng đang tăng lên”, ông Tiến nói.

Trước đó, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.

Bộ NN-PTNT đang xây dựng 5 đề án phát triển ngành chăn nuôi, trong đó có đề án về giống

Ảnh: Ngọc Thắng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, cần nhiều giải pháp cấp bách trước mắt và căn cơ lâu dài. Bộ NN-PTNT đang xây dựng 5 đề án, gồm: đề án về giống; đề án về thức ăn chăn nuôi; đề án về công nghệ chăn nôi; đề án giết mổ và chế biến; đề án đào tạo nhân lực, khuyến nông và khoa học. Theo ông Trọng, mỗi đề án sẽ có những giải pháp đột phá và cụ thể phù hợp với thực trạng và lợi thế của ngành chăn nuôi ta. Dự thảo 5 đề án đang được hoàn thiện, trong tháng 10.2021 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ký ban hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.