Tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Có lãi trong năm 2025

28/10/2024 10:49 GMT+7

Đó là một trong những nội dung tại Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025, do Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc ký phê duyệt tại Quyết định 1271 ngày 25.10.

Theo Quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại tổ chức và sở hữu, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại EVN và các đơn vị thành viên EVN theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đề án đặt mục tiêu đưa EVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác…

Đặc biệt, phấn đấu đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân từ 7 - 10%, nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn trên 23.000 tỉ đồng/năm và hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt.

Tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Có lãi trong năm 2025- Ảnh 1.

Phấn đấu doanh thu toàn EVN đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân 7 - 10%

ẢNH: EVNSPC

Theo kế hoạch, EVN sẽ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; giữ nguyên các đơn vị trực thuộc. Ngoại trừ Công ty Nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ được sắp xếp theo đề án riêng về thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thành lập.

Doanh nghiệp do EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Tổng công ty Điện lực TP.HCM; Tổng công ty Phát điện 1; Công ty TNHH MTV nhiệt điện Thủ Đức.

Còn lại các tổng công ty phát điện, EVN sẽ duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; các công ty tư vấn xây dựng, thiết bị điện, năng lượng... do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam kỳ vọng có lãi trong năm 2025

Ngoài ra, đề án cũng xác định rõ định hướng và các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn đến hết năm 2025. Cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu quản trị doanh nghiệp; tăng cường quản lý dự án đầu tư, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác dự báo, quản trị rủi ro; nâng cao năng lực công tác kiểm toán giám sát, thanh tra; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém thua lỗ thuộc EVN theo quy định.

Về phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, EVN sẽ đổi mới mô hình tổ chức hướng đến giảm lao động quản lý gián tiếp tại cấp quản lý trung gian; nghiên cứu tổ chức phòng điều khiển trung tâm (OCC) để điều khiển tập trung nhà máy thủy điện và năng lượng tái tạo.

Đề án cũng nêu việc nghiên cứu cơ chế tài chính của EVN trong giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Xây dựng phương án tách bạch về tổ chức và hạch toán chi phí của bộ phận phân phối và bán lẻ điện thuộc các tổng công ty điện lực theo lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; xây dựng cơ chế giá bán buôn điện giữa công ty mẹ - EVN với các đơn vị kinh doanh phân phối điện phù hợp với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.