Chi tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị quy định cụ thể trong luật Giáo dục về việc ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách Nhà nước; giao Chính phủ quy định cụ thể về quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, hằng năm báo cáo Quốc hội về việc quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực này. Theo ông Phan Thanh Bình, Nghị quyết 37/2004 của Quốc hội quy định “Đầu tư ngân sách cho giáo dục - đào tạo đảm bảo đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách Nhà nước trước năm 2010 từ 2 đến 3 năm”. Tuy nhiên, thống kê dự toán ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục cho thấy, chỉ có một vài năm là đạt tỷ lệ này, đặc biệt trong những năm gần đây chỉ đạt 18-19% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Một thực tế khác trong phân bổ ngân sách Nhà nước cho giáo dục là thiếu các quy định mang tính nguyên tắc về các nguồn ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này, các hạng mục chi và quan điểm chi ngân sách theo cấp học/trình độ đào tạo,… gây khó khăn cho cả công tác quản lý, sử dụng và giám sát. |
Tái đề xuất tăng lương nhà giáo, miễn học phí học sinh THCS
08/08/2018 15:19 GMT+7
Hai nội dung tăng lương nhà giáo và miễn học phí THCS được đề xuất đưa trở lại trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, dự kiến sẽ trình ra Quốc hội để thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây.
Chiều nay, 8.8, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Giáo dục sửa đổi.
Miễn học phí THCS
Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật Giáo dục sửa đổi do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình trình tại phiên họp, đã nêu 5 vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Cụ thể, đối với phổ cập giáo dục, ông Bình cho hay, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung khái niệm phổ cập giáo dục; tiếp tục quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập bắt buộc giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, dự thảo đã bổ sung chính sách miễn học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục công lập, hỗ trợ học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Thắt chặt đào tạo sư phạm
Về phát triển đội ngũ nhà giáo, ông Bình cho biết, cùng với việc quy hoạch lại mạng lưới sư phạm, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc đào tạo nhà giáo cần được thực hiện một cách chặt chẽ, có chất lượng từ khâu tuyển sinh, chương trình, kế hoạch đào tạo, đánh giá quá trình đào tạo và công nhận, cấp văn bằng.
Số lượng đào tạo cần được xác định dựa trên những tính toán khoa học về nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực, bảo đảm để sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường được phân công công tác hoặc tìm được việc làm.
Từ đó, Thường trực Ủy ban xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định nguyên tắc trong luật về các định mức, nhằm xác định số lượng giáo viên, như tỷ lệ giáo viên/học sinh, tỷ lệ giáo viên/lớp… và giao Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ; đồng thời, quy định trách nhiệm của địa phương, cơ sở trong việc bảo đảm các định mức số lượng nhà giáo để nâng cao chất lượng dạy và học.
Tái đề xuất tăng lương nhà giáo
Đối với chính sách lương nhà giáo, ông Bình cho biết, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá VIII (1996) khẳng định: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng, do Chính phủ quy định”.
Quan điểm này đã được thể chế hóa tại điều 71 luật Giáo dục năm 1998.
Đến Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tiếp tục khẳng định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Trong khi đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII khẳng định nguyên tắc xây dựng chính sách lương mới đối với người lao động phải theo vị trí việc làm, phù hợp với mức độ phức tạp của công việc, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; làm sao để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương.
Từ đó, ông Bình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo trong dự luật Giáo dục (sửa đổi), bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.
Trước đó, 2 nội dung miễn phí THCS và đề xuất tăng lương nhà giáo đã được đưa vào những dự thảo đầu tiên của luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục. Tuy nhiên, trong dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, cả 2 nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt này đều không còn trong dự thảo luật.
Bình luận (0)