Chiều 19.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thường kỳ. Buổi họp hôm nay có sự xuất hiện của Phó bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn.
Theo thông báo của Thành ủy Hà Nội, kể từ hôm nay trở đi, các phiên họp của Ban Chỉ đạo đều có sự tham dự của một thành viên Thường trực Thành ủy. Phiên họp trước của Ban chỉ đạo cũng có sự góp mặt của Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, người được giao phụ trách điều hành UBND TP.Hà Nội thay ông Nguyễn Đức Chung.
Tại phiên họp, ông Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã yêu cầu Q.Tây Hồ báo cáo về việc rất đông người dân đổ về phủ Tây Hồ đi lễ, bất chấp cảnh báo giãn cách.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND Q.Tây Hồ, cho biết mặc dù quận đã chỉ đạo P.Quảng An nhắc nhở phủ Tây Hồ thực hiện nghiêm các công tác phòng chống dịch như đo thân nhiệt, bố trí nước sát khuẩn, đặt barie không để quá đông người tập trung, nhưng đến chiều, số người đổ về quá đông đã dẫn đến việc quận phải chỉ đạo phường tạm đóng của phủ Tây Hồ vào lúc 15 giờ.
Ông Tuấn cũng cho biết, trong tháng này, nếu người dân tiếp tục đổ về với số lượng lớn, thì quận không có cách nào khác hơn là tiếp tục chỉ đạo đóng cửa phủ Tây Hồ để phòng dịch.
Cũng trao đổi về nội dung này, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết, dù Tây Hồ đã có chuẩn bị phân luồng từ hôm trước, nhưng lượng người đổ về phủ Tây Hồ vẫn là quá lớn. Bà Vân Anh lưu ý, tháng này là tháng Vu lan, tháng "tiệc ông Hoàng Bảy", nên dự kiến sẽ tiếp tục đông người tập trung tại đây lễ lạt. Do đó, các địa phương cần hết sức chú ý việc phòng dịch.
Theo ông Ngô Văn Quý, dù Hà Nội đã có rất nhiều cảnh báo về phòng dịch, nhưng một bộ phận người dân vẫn chủ quan, thể hiện ở việc tập trung quá đông tại phủ Tây Hồ hôm nay. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã có nhắc nhở thành phố quan tâm đến việc này. Ông Quý yêu cầu Q.Tây Hồ làm rõ trách nhiệm và không để xảy ra sự việc tương tự.
"Đoàn kiểm tra đến thì thực hiện tốt, đoàn đi thì lại không giãn cách nữa"
Báo cáo về việc thực hiện giãn cách tại các nhà hàng, quán bia, ông Đỗ Anh Tuấn cũng cho biết một thực tế là yêu cầu này rất khó thực hiện, vì các hàng quán trên địa bàn quận quy mô nhỏ.
"Nếu thực hiện tốt thì chỉ có chỉ đạo đóng cửa thì mới đảm bảo, còn giãn cách thì các lực lượng phải căng mình đi tuyên truyền nhắc nhở, nhưng đoàn đến nhắc thì các hàng quán thực hiện tốt, còn đoàn đi lại không giãn cách nữa, nên khá khó khăn", ông Tuấn báo cáo.
Trước thông tin này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội đặt câu hỏi: “Kiểm tra, vi phạm thì phạt lần thứ nhất, lần thứ 2 thì đóng cửa, có làm được không? Phải thực hiện quyết liệt, chứ nêu quy mô nhỏ, khó khăn không làm được thì làm sao?”.
Phúc đáp, ông Tuấn cho biết "chỉ nêu khó khăn như vậy, chứ Tây Hồ sẽ thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của thành phố".
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Q.Tây Hồ, ông Quý cũng nhắc nhở Q.Ba Đình về việc “sáng nay trên đường đi làm, tôi có thấy các quán nước trên đường Điện Biên Phủ vẫn chưa đảm bảo giãn cách, Q.Ba Đình cần yêu cầu các phường kiểm tra quyết liệt vào từng ngõ ngách để nhắc nhở".
Nêu nhận định khả năng dịch bùng phát trên diện rộng ở Hà Nội là không lớn, nhưng ông Quý vẫn cảnh báo việc sẽ tiếp tục xuất hiện những ca bệnh mới trong cộng đồng. Do đó, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân cần được cảnh báo.
Ông Quý tiếp tục khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; người có bệnh mãn tính không ra khỏi nhà; đeo khẩu trang, không tập trung đông người… Các quán bar, karaoke, vũ trường phải được kiểm tra nghiêm ngặt, không để tình trạng “ngoài đóng cửa, trong vẫn hát”.
"Nhà hàng ăn uống cần phải thực hiện nghiêm giãn cách chỗ ngồi 1 m, khuyến khích có vách ngăn; đo thân nhiệt cho khác, khử khuẩn; nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ. Phải kiểm tra thực hiện nghiêm. Các cơ sở nhỏ lẻ không thực hiện thì cho dừng hoạt động. Bởi đây là nơi rất dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các bài học thực tế”, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói.
Chưa có vắc xin ngay, người dân không được chủ quan
Được mời tham dự phiên họp, PGS - TS Trần Đắc Phu, chuyên gia dịch tễ, cho biết phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hôm qua, 18.8, đã nhắc đến chuyện vắc xin, vì "nhiều người nghĩ rằng vắc xin sẽ có ngay bây giờ".
Tuy nhiên, ông Phu cảnh báo, quá trình đưa vắc xin về Việt Nam, thử nghiệm an toàn trên người... ít nhất cũng phải mất 6 tháng đến 1 năm nữa, nên thời điểm này giải pháp vẫn phải là quyết liệt phòng dịch.
|
Bình luận (0)