Từ khi về khu tái định cư (TĐC) Hồng Thượng để nhường đất cho thủy điện A Lưới, từ năm 2011 đến nay, hơn 170 hộ dân ở 2 thôn A Sáp và thôn A Đên vẫn đối mặt với khó khăn do đất đai cằn cỗi, sỏi đá, không thể sản xuất.
"ĐẾN ĐÂY THÌ KHÓ KHĂN QUÁ"
Bà A Viết Phượng (51 tuổi, thôn A Sáp, khu TĐC Hồng Thượng) chưa một ngày nào no bữa, bởi cũng từ đó bà rơi vào cảnh thất nghiệp khi chẳng thể kiếm ra tiền từ việc làm nương rẫy. Có những bữa trưa, gia đình bà chỉ vỏn vẹn vài con cá suối, mớ rau rừng ăn tạm.
Không phải như câu hát lãng mạn "có sức người sỏi đá cũng thành cơm", ở khu TĐC Hồng Thượng, dù người dân đã nỗ lực cày cuốc nhưng đất đai sản xuất sỏi đá vẫn hoàn sỏi đá. Bà Phượng than từ khi lên đây định cư, dân làng trồng gì cũng không được bởi đất đai khô cằn, sỏi đá, cây trồng mọc không lên nổi. Như những hộ dân khác, bà được cấp đổi đất ở bình quân 2.000 m2 và 2.500 m2 đất trồng lúa nước, tuy nhiên diện tích đất cấp đổi này khô cằn, không có nước tưới nên chẳng thể làm gì.
"Trồng rau hay cây ngô, cây sắn cũng không lên, làm ruộng thì không có nước, toàn đá nên không có gì ăn cả. Tháng nào có 1 - 2 lần đi làm thuê thì kiếm được 150.000 - 200.000 đồng ăn qua bữa", bà Phượng nói.
Người dân thất nghiệp, sống khổ vì nhường đất cho thuỷ điện A Lưới
Theo anh Nguyễn Văn Trác (36 tuổi, Trưởng thôn A Sáp, khu TĐC Hồng Thượng), không riêng gì bà Phượng mà hầu hết các hộ dân trong khu TĐC này đều đang rơi vào cảnh khổ sở. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám họ mãi không dứt. Hiện tại, trong thôn A Sáp có 85 hộ, trên 310 nhân khẩu, nhưng đến tận 41 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo.
Anh Trác cũng đã đưa PV đến khu vực 15 ha ruộng bị bỏ hoang để tận mắt thấy cảnh khắc nghiệt của vùng đất rộng lớn nhưng lẫn trong đó là vô số đá hộc, đá cuội. Trước khi bàn giao cho người dân để trồng lúa nước, Thủy điện A Lưới đã đầu tư hệ thống mương nước dẫn về ruộng; tuy nhiên hơn 12 năm nay, anh Trác và bao người dân khác chưa khi nào nhìn thấy nước theo mương chảy về.
"Ở nơi cũ, dân làng trồng sắn, trồng ngô rất tốt vì đất ở đó phù sa, nhưng khi chúng tôi giao lại đất cho thủy điện thì thủy điện có hứa nơi mới sẽ tốt hơn, chỉ về là bắt tay vào làm thôi. Tuy nhiên lên đây mới biết không thể sản xuất được. 15 ha này trồng gì cũng không lên cả, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa cải thiện được gì, rất mong cấp trên có phương án cho người dân ổn định lâu dài", anh Trác nói.
Tương tự thôn A Sáp, thôn còn lại của khu TĐC Hồng Thượng là A Đên cũng rơi vào cảnh hộ nghèo tăng báo động. Dù chỉ vỏn vẹn 89 hộ nhưng ở thôn này có đến 33 hộ nghèo và 36 hộ cận nghèo.
Ông Hồ Văn Khiếp (Trưởng thôn A Đên) phàn nàn: "Nơi ở cũ đầy đủ hơn khi hoa màu có, ruộng nước, nhưng đến đây thì khó khăn quá, người dân không biết làm gì ra tiền. Tôi kiến nghị đến cấp tỉnh làm sao để có trạm bơm tưới 15 ha ruộng đang bỏ hoang, đồng thời cấp thêm đất sản xuất cho người dân, rồi cấp cho chúng tôi có thêm các giống cây ăn quả phù hợp để trồng trên vùng đất này".
MỎI MÒN CHỜ HỆ THỐNG THỦY LỢI
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Văn Nhi, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, cho biết nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp bà con cải tạo đất, xới đá để canh tác. Tuy nhiên lượng đá lớn và hệ thống thủy lợi không phát huy tác dụng nên người dân không thể làm được gì.
Theo tìm hiểu, trước đó vào năm 2021, tại buổi làm việc với các đơn vị bàn giải pháp hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất tại thủy điện A Lưới, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thống nhất phương án đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu đối với diện tích có khả năng cải tạo sản xuất được lúa nước. Đối với diện tích không thể cải tạo, thực hiện đền bù bằng tiền để người dân nhận chuyển nhượng đất lúa nước ở các địa phương liền kề. UBND tỉnh giao UBND H.A Lưới tham mưu đề xuất Công ty CP thủy điện miền Trung (chủ đầu tư thủy điện A Lưới) xem xét, hỗ trợ cho người dân.
Theo ông Phan Duy Khanh, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch UBND H.A Lưới, năm 2021, thực hiện kết luận cuộc họp bàn phương án phát triển sản xuất 15 ha đất nông nghiệp tại khu TĐC thủy điện A Lưới, do Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì, Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên-Huế đã lập dự án đầu tư 7,5 tỉ xây dựng trạm bơm điện để phục vụ tưới tiêu khu vực đất không sản xuất được cho người dân khu TĐC Hồng Thượng. Dự án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang chờ tỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và phân bổ vốn để triển khai thực hiện.
Về giải pháp hỗ trợ người dân do đất không sản xuất nông nghiệp được, hiện UBND H.A Lưới đang lập quy hoạch tận dụng quỹ đất này để xây dựng cụm công nghiệp. Sau khi cụm công nghiệp này được phê duyệt, UBND H.A Lưới sẽ tiến hành thu hồi đất và đền bù để người dân có kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, các hộ sau khi đền bù, nếu có nhu cầu nhận đất sản xuất, UBND huyện cũng sẽ quy đổi để cấp đất sản xuất mới cho bà con. Huyện cũng đã từng có kiến nghị Công ty CP thủy điện miền Trung hỗ trợ đền bù phần diện tích không canh tác được, nhưng công ty không đồng ý vì cho rằng đơn vị đã đền bù xong. (còn tiếp)
Nhà máy thủy điện A Lưới, thuộc Công ty CP thủy điện miền Trung, được khởi công xây dựng vào ngày 30.6.2007 trên sông A Sáp của H.A Lưới với tổng vốn đầu tư 3.234 tỉ đồng. Nhà máy chính thức vận hành phát điện vào năm 2012 với tổng công suất lắp máy 170 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm gần 750 triệu kW/h.
Để triển khai dự án, Công ty CP thủy điện miền Trung đã dành gần 293 tỉ đồng cho công tác đền bù, TĐC và hỗ trợ 4,5 tỉ đồng chi phí ổn định phát triển sản xuất cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án.
Bình luận (0)