Tái định cư... không an cư: Và rồi tỉ phú lại nghèo

22/04/2023 07:08 GMT+7

Những ngôi làng với nhà cửa khang trang mọc lên từ vùng tái định cư thủy điện nhưng sau một thời gian đã xuất hiện rất nhiều điểm bất cập. Để rồi giờ đây hệ lụy là người dân trở nên bế tắc với sinh kế.

TRẦY TRẬT MƯU SINH HẰNG NGÀY

Ngôi làng thôn 2 (nay gọi là Tơ Pơơ), xã Tà Pơ, H.Nam Giang (Quảng Nam) như được "giấu" trong rừng già Trường Sơn. Thời điểm ban đầu, ngôi làng có 53 hộ dân với 213 nhân khẩu, nằm cách nơi ở cũ khoảng 20 km. Do nhà cửa, đất sản xuất bị ngập nước vì nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 nên các hộ dân này được đền bù, hỗ trợ để di dời lên đây. Trong phút chốc bỗng trở thành "tỉ phú", họ đua nhau xây dựng những ngôi nhà như "biệt phủ" với giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng, điều mà trước đây chẳng ai dám nghĩ tới. Cứ thế, một ngôi làng mới khang trang mọc lên giữa rừng già.

Tái định cư... không an cư: Và rồi tỉ phú lại nghèo - Ảnh 1.

Sở hữu căn nhà khang trang nhưng người dân ở làng Tơ Pơơ vẫn đang bế tắc với sinh kế

MẠNH CƯỜNG

Thế nhưng, đó đã là câu chuyện xưa cũ. Còn bây giờ, những "tỉ phú" ở Tơ Pơơ lại đang phải chật vật với cuộc sống mưu sinh, bế tắc với sinh kế. Bởi "miệng ăn núi lở", tiền có nhiều nhưng tiêu mãi rồi cũng hết. Những "tỉ phú" ngày đó giờ đây đã trở thành người nghèo. Lúc này, họ lại nhớ về quá khứ, về những ngày tháng thoải mái, tự do bên dòng sông Bung.

Ánh mắt buồn hắt lên nóc nhà, già Pơloong Đếơch cho biết khi đưa dân ra khu tái định cư Tơ Pơơ này, chủ đầu tư là Công ty thủy điện Sông Bung và chính quyền H.Nam Giang đã cấp cho mỗi hộ 1.000 m2 đất (trong đó 400 m2 đất ở và 600 m2 đất vườn), ngoài ra cấp thêm 1.500 m2 đất sản xuất. Ban đầu, về khu tái định cư này cũng có những thuận lợi nhất định. Chẳng hạn như đường sá được bê tông hóa, hệ thống điện sáng, trường học được đầu tư đầy đủ... Tuy nhiên, sau nhiều năm nhìn lại, hầu hết bà con nơi đây đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chồng chất.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay là người dân ở đây đang thiếu đất sản xuất. Trải qua gần 20 năm con cái của các hộ gia đình lớn lên rồi tách ra ở riêng. Từ 53 hộ ban đầu nay đã lên gần 120 hộ, nhưng đất sản xuất vẫn chỉ giữ nguyên chừng đó nên giờ hơn một nửa số hộ dân không có đất để canh tác, sản xuất", già Pơloong Đếơch thở dài.

Tái định cư... không an cư: Và rồi tỉ phú lại nghèo - Ảnh 2.

Một góc khu tái định cư Trà Đốc

Trải qua nhiều năm canh tác, vùng đất đồi mà người dân trong thôn được cấp cũng dần trở nên cằn cỗi, trồng cây gì cũng không lên nổi, có chăng chỉ thích hợp với cây sắn và cây keo. Trong khi đó, 2 loại cây này lại có giá trị kinh tế thấp. Nhà cửa của bà con sau nhiều năm bây giờ cũng đã bị mối mọt, xuống cấp nhưng không có tiền để sửa chữa. Mỗi lần có thiên tai lại nơm nớp lo sợ.

Chưa kể, đường sá xa xôi cách trở, mỗi mùa mưa lũ đến lại xảy ra sạt lở. Như năm 2020 vừa rồi, bà con bị cô lập đến mấy tháng trời, không có cách nào ra bên ngoài được. "Từ ngày ra làng mới, cuộc tìm kiếm sinh kế người dân chúng tôi trở nên nhọc nhằn hơn. Người dân bây giờ đang phải chật vật kiếm cái ăn, cái mặc", già Pơloong Đếơch ngậm ngùi.

Theo già Pơloong Đếơch, trước đây ở làng cũ khi chưa có thủy điện vào xây dựng dù không có nhà cửa khang trang nhưng đổi lại, cuộc sống của họ thoải mái hơn nhiều. Nương rẫy sản xuất không bao giờ thiếu thóc lúa, ngô khoai. Những lúc rảnh rỗi dân đem vài tấm lưới thả dưới sông suối… là có cái ăn. Nói chung là thời điểm đó chưa bao giờ phải lo lắng về cái ăn, khác hẳn với bây giờ.

Ông Zơrâm Thực, Chủ tịch UBND xã Tà Pơ, cho hay đối lập với vẻ ngoài giàu có từ những "căn nhà bạc tỉ", Tơ Pơơ hiện đang trầy trật với cuộc mưu sinh thường ngày. Thu nhập chủ yếu của đồng bào nơi đây chủ yếu từ nương rẫy, nhưng giờ đã bỏ hoang hóa nhiều năm do thiếu nước sản xuất. "Hiện nay, thu nhập người dân chủ yếu phụ thuộc vào nghề truyền thống như lấy măng, mật ong trong rừng nhưng cũng đang ít ỏi dần nên đời sống đang gặp khá nhiều khó khăn", ông Thực nói.

Tái định cư... không an cư: Và rồi tỉ phú lại nghèo - Ảnh 3.

Sau thời gian dài, nhiều nhà dân ở khu tái định cư xã Trà Đốc đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân đành phải bỏ hoang để “nhường chỗ” cho trâu bò ở

"SỐNG CHUNG VỚI CÁI KHỔ"

Tại vùng tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Đốc, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) cũng chồng chất khó khăn không kém. Sau hơn 14 năm dân chuyển về khu tái định cư sinh sống, những ngôi nhà được xây từ nguồn kinh phí dự án bây giờ cũng đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều hộ không có đất sản xuất, kinh tế khó khăn không có kinh phí sửa chữa nên họ đành chấp nhận "sống chung với cái khổ".

Ngồi trong ngôi nhà sàn chật hẹp, ông Hồ Văn Thương (67 tuổi, ở thôn 6, xã Trà Đốc) đưa tay chỉ sang ngôi nhà cấp 4 sát bên cạnh rêu phủ kín, bị bỏ hoang hơn 3 năm qua do trần nhà hư hỏng nặng. Năm 2009, gia đình ông về đây nhận căn nhà tái định cư này sinh sống. Sau một thời gian sử dụng, căn nhà xuống cấp, tường bị thấm, mưa xuống dột khắp nơi. Cơn bão năm 2020 làm la phông trần nhà đổ sập. Lo sợ gia đình sẽ gặp chuyện không may nên vợ chồng ông quyết định dựng căn nhà sàn 20 m2 cùng 6 người con, cháu ở từ đó đến nay.

BẤT CẬP CÔNG TÁC QUY HOẠCH

Toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng hơn 3.200 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu chịu tác động từ các dự án thủy điện đã, đang triển khai trên địa bàn. Trong đó, có trên 1.700 hộ phải di dời, tái định cư do nhà, đất sản xuất cũ bị ngập trong vùng lòng hồ và xây dựng các hạng mục công trình khác. Những dự án có nhiều hộ dân phải di dời là thủy điện Sông Tranh 2 (1.046 hộ), thủy điện A Vương (330 hộ), Sông Bung 4 (229 hộ)…

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch UBND H.Nam Giang (địa bàn có thủy điện Sông Bung 4), cho hay từ khi hoàn thành công tác di dời, bố trí tái định cư vào năm 2013 đến nay, nhìn chung đời sống người dân trong vùng tái định cư vẫn còn rất nhiều khó khăn, quá trình phát triển sản xuất còn nhiều tồn tại. Trong đó, định mức diện tích bố trí đất sản xuất còn thấp so với nhu cầu thực tế của người dân, một số khu vực bố trí đất sản xuất chất lượng không tốt, nhiều đá, độ dốc cao.

Công tác quy hoạch, lập kế hoạch thực hiện tái định cư, ổn định đời sống sản xuất cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án còn nhiều bất cập; việc phối hợp giữa chủ đầu tư với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, bố trí đất tái định cư, đất sản xuất, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh cho người dân chưa được chặt chẽ.

Việc vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sau tái định cư, cũng như hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý nguồn lực tài chính (tiền đền bù) để đầu tư sản xuất kinh doanh chưa được thực hiện hiệu quả. Người dân bị thu hồi đất có trình độ học vấn thấp, còn nặng các tập quán sản xuất lạc hậu nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều khó khăn.

Ông Hồ Cao Quý, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, cho hay toàn xã có 74 hộ dân được di dời về nơi tái định cư. Cái khó khăn nhất hiện nay đối với họ là không có đất sản xuất và thiếu nguồn nước sinh hoạt.

Theo UBND H.Bắc Trà My, toàn huyện có hơn 830 hộ dân ở 3 xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Sông Tranh 2. Khi được bố trí về khu tái định cư, mỗi hộ dân được cấp 1.000 m2 đất và một căn nhà cấp 4. Theo chính sách di dời dân, khi thu hồi đất bị ảnh hưởng dự án, địa phương và Công ty thủy điện Sông Tranh 2 sẽ cấp lại từ 1,2 - 1,8 ha đất sản xuất tại nơi ở mới. Tuy nhiên, thời điểm đó, hầu hết người dân đều có nhu cầu nhận tiền đền bù và không yêu cầu hỗ trợ đất. Đây là nguyên nhân chính khiến đa số các hộ dân di dời về khu tái định cư thiếu đất sản xuất như hiện nay.

Ngoài ra hầu hết các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi phục vụ đời sống, sản xuất của người dân vùng tái định cư hiện đều bị hư hỏng hoàn toàn, đường giao thông trong khu, điểm tái định cư chưa được đảm bảo, gây khó khăn cho người dân, nhất là trong mùa mưa. Vì vậy, mới đây UBND H.Bắc Trà My đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết tại các khu, điểm tái định cư.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.