Tái hiện nghi tiết cung đình ở Ngọ Môn - Huế

24/01/2021 06:34 GMT+7

Di tích Ngọ Môn là công trình biểu tượng của di sản cố đô Huế, sau 8 năm trùng tu đã mở cửa đón khách.

Cùng với đó là các nghi lễ cung đình độc đáo, gợi nhớ thời kỳ lịch sử vàng son của triều Nguyễn, được phục dựng để phục vụ du khách.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Ngọ Môn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành (tại vị trí nguyên là Nam Khuyết đài, được xây dựng vào đầu thời vua Gia Long).
Di tích Ngọ Môn là công trình cổng chính nằm ở phía nam của Hoàng thành triều Nguyễn ở Huế. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, “Ngọ Môn xứng đáng được liệt vào hàng những công trình kiến trúc nghệ thuật xuất sắc nhất của triều Nguyễn nói riêng và của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung”. Ngoài chức năng là cổng chính ra vào Hoàng cung, Ngọ Môn còn là một lễ đài trong nhiều sự kiện trọng đại của triều đình. Đặc biệt, vào năm 1945, chính tại nơi đây đã diễn ra sự kiện vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm lại cho cách mạng, chấm dứt chế độ phong kiến Việt Nam.
Với vai trò quan trọng như vậy, Ngọ Môn luôn được quan tâm trùng tu, sửa chữa nhiều lần, cả dưới triều đại nhà Nguyễn cũng như các giai đoạn về sau. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử và thiên tai, công trình xuống cấp và đến năm 2012, dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn chính thức được triển khai với số vốn đầu tư hơn 80 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2019.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, kiêm Trưởng ban Quản lý các dự án trùng tu di tích cố đô Huế, cho biết: “Ngoài đội ngũ chuyên môn gồm các kỹ sư, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử…, công trình còn huy động hàng trăm nghệ nhân, thợ truyền thống về nề, ngõa, chạm khắc gỗ, sơn thếp… tham gia thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, Ngọ Môn đã được phục hồi toàn diện”.

Sau lễ Ban sóc, các diễn viên tặng lịch lưu niệm cho du khách tham quan nhân dịp năm mới 2021

Tái hiện lễ phát lịch

Sau khi công trình Ngọ Môn được trùng tu hoàn chỉnh, đúng ngày 1.1.2021, vừa qua, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã tổ chức tái hiện nghi lễ Ban sóc (lễ phát lịch của triều Nguyễn), được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch.
Di tích Ngọ Môn gồm 2 phần. Phần chính gồm nền đài hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77 m, cạnh bên dài 27,06 m,  cao gần 5 m, tổng diện tích hơn 1.560 m2, xây bằng gạch, đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng thau. Đây là công trình kiến trúc gỗ 2 tầng lầu đặc sắc nhất của di tích triều Nguyễn với kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim, chẵn 100 cây cột, tượng trưng cho sự hài hòa “âm dương nhất thể” - cũng là biểu trưng của sức mạnh trăm họ (bách tính). Phần mái của lầu Ngũ Phụng cũng được xem là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Trong đó, phần mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ, bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói ống màu vàng (hoàng lưu ly). 8 bộ còn lại lợp ngói ống màu xanh (thanh lưu ly). Chính nhờ sự tinh tế và khéo léo của các nhà kiến trúc thời Nguyễn mà tổng thể Ngọ Môn tuy đồ sộ, nguy nga nhưng lại không hề thô cứng, đơn điệu mà ngược lại rất mềm mại, tráng lệ.
Theo ghi chép của sử sách triều Nguyễn, lễ Ban sóc dưới  thời Gia Long được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên giám. Lịch được tiến vào Hoàng cung để hoàng gia dùng. Lịch được phát cho các quan ở kinh thành, các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
Lễ Ban sóc được tổ chức quy mô tại Ngọ Môn bắt đầu vào năm Tân Sửu (1841), dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1841). Hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân và để khác với các nghi tiết đại triều nghi khác tổ chức ở điện Thái Hòa.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết tái hiện lễ Ban sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách cũng như người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản cố đô Huế trong ngày đầu năm mới, cùng nhiều hy vọng đang gần đến. “Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.
Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu để tái hiện những sự kiện có ý nghĩa đã gắn liền với công trình Ngọ Môn dưới triều Nguyễn như: lễ Truyền lô (kết hợp với tuyên dương các học sinh tiêu biểu), lễ Ban sóc và kết hợp với các cuộc triển lãm chuyên đề…”, ông Nhật nói.
Trước đó, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã nghiên cứu, phục dựng tái hiện Nghi lễ Đổi gác tại Ngọ Môn, lễ Dựng nêu (ngày 23 tháng chạp), lễ Hạ nêu và khai ấn, Cung chúc tân xuân (mùng 7 tết) tại Triệu Tổ Miếu, điện Long An; tái hiện nghi lễ Thiết triều lại sân Đại triều nghi của điện Thái Hòa, tổ chức các trò chơi cung đình, trình diễn Đại nhạc và Tiểu nhạc (Nhã nhạc cung đình Việt Nam, di sản văn hóa nhân loại)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.