Tài khoản mạng xã hội đã đăng ký số điện thoại chính chủ có cần xác thực?

24/12/2024 17:17 GMT+7

Việc xác thực người dùng trên mạng xã hội thường được thực hiện theo 3 hình thức: qua email, số điện thoại di động và số căn cước công dân. Trong bối cảnh người dùng có xu hướng chuyển từ máy tính sang thiết bị di động nhiều hơn thì việc xác thực bằng số điện thoại được đánh giá là phương án phù hợp ở Việt Nam.

Từ ngày mai 25.12, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Đây là quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Tài khoản mạng xã hội đã đăng ký số điện thoại chính chủ có cần xác thực?- Ảnh 1.

Từ ngày mai 25.12, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người dùng

ẢNH: PHÚC KHA

Không cung cấp số điện thoại sẽ bị khóa tài khoản

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nghị định này sẽ thay đổi nhiều về hành vi sử dụng internet và mạng xã hội ở Việt Nam. Đây là bước đột phá về thể chế đối với việc quản lý internet và thông tin trên mạng.

Việc bổ sung quy định về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết trong bối cảnh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Các quy định mới điều chỉnh hành vi người dùng, giữ trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Hiện có 3 hình thức xác thực người dùng mạng xã hội: qua email, số điện thoại và số căn cước công dân. Trong bối cảnh người dùng có xu hướng chuyển từ máy tính sang thiết bị di động nhiều hơn thì việc xác thực bằng số điện thoại được đánh giá là phương án phù hợp ở Việt Nam. Việc xác thực bằng số điện thoại di động sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Ông Lê Quang Tự Do cho hay: "Định danh tức là xác định danh tính của một tài khoản gắn với con người thật. Hiện có nhiều cấp độ định danh, định danh cấp độ cao nhất là bằng căn cước công dân thường áp dụng cho bảo mật cao nhất như giao dịch ngân hàng, còn ở mạng xã hội yêu cầu định danh mức độ vừa phải hơn là bằng số điện thoại di động. Việc định danh bằng số điện thoại di động giúp nhà nước xác định được tài khoản đó là của ai".

Về thời gian triển khai xác thực, Nghị định 147 cũng đưa ra mốc yêu cầu, trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày 25.12.2024 đến ngày 25.3.2025 phải xác thực tài khoản người dùng. Điều này đồng nghĩa với việc, sau ngày 25.3.2025, những tài khoản chưa xác thực, sẽ chỉ có thể đọc thông tin trên mạng xã hội mà không được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Tài khoản đã đăng ký bằng số điện thoại chính chủ sẽ không cần xác thực

Trước những lo ngại, trong khoảng thời gian 3 tháng rất khó để hoàn thành định danh, nhất là các mạng có đông người dùng, ông Lê Quang Tự Do cho biết: "Chúng tôi đã có khảo sát và thấy rằng, có 4 mạng xã hội lớn nhất là Facebook, YouTube, TikTok, Zalo thì hầu hết các mạng này đều đã dùng tài khoản có số điện thoại để xác thực, chiếm tới khoảng 80%. Do đó, việc bắt buộc xác thực bằng số điện thoại đối với các mạng xã hội này không phải là quá mới, khoảng thời gian 3 tháng đủ để các mạng xã hội trong và ngoài nước thực hiện định danh".

Ông Lê Quang Tự Do lưu ý, những tài khoản mạng xã hội đã đăng ký bằng số điện thoại chính chủ rồi thì sẽ không cần xác thực nữa.

Với những tài khoản chưa xác thực bằng số điện thoại, Người dùng cần sớm chủ động thực hiện xác thực tài khoản theo hướng dẫn của các nền tảng mạng xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát theo hình thức hậu kiểm. Chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.

Đối với trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước là khoảng 110 triệu. Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng trên 200 triệu. Trong đó, số người dùng mạng xã hội Zalo hàng tháng tính đến 30.6 là 76,5 triệu, vượt qua Facebook (72 triệu), YouTube (63 triệu) hay TikTok (67 triệu).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.