Tai nạn do hoạt động ngoại khóa: Hàng loạt văn bản, sao vẫn bất an ?

18/01/2021 07:39 GMT+7

Hầu như năm nào cũng có những vụ học sinh bị tai nạn khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm do trường, lớp tổ chức; trong khi năm nào ngành GD-ĐT cũng có văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh.

Gần đây, vụ việc 2 học sinh (HS) tử vong khi đi ngoại khóa, gồm 1 HS đuối nước ở Bình Dương và 1 HS tử vong cùng 2 HS bị thương khi chơi “tàu lượn siêu tốc” ở Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), khiến phụ huynh HS và dư luận không khỏi bất an.

Văn bản hướng dẫn, chỉ đạo rất nhiều

Hiện nay là thời điểm các trường học đã sơ kết học kỳ 1 và tổ chức cho HS đi dã ngoại. Về mặt văn bản, chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn cho HS là khá nhiều, thậm chí ban hành hằng năm, hoặc sau mỗi sự cố.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị - Công tác HS sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Bộ luôn lấy việc đảm bảo an toàn trường học là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Chỉ trong 5 năm gần đây, đã có khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư, hướng dẫn, chỉ thị, công văn... được Bộ gửi UBND các tỉnh nhằm đôn đốc, nhắc nhở đảm bảo an toàn cho HS, trường học”.
Năm 2020, sau việc HS lớp 12 ở Sóc Trăng bị tai nạn tử vong vì ngã xe đạp trong chuyến đi trải nghiệm ở Đà Lạt, Bộ cũng yêu cầu đảm bảo an toàn trong các chuyến dã ngoại thực tế, trong đó nhấn mạnh giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, ý thức chấp hành các quy định cho HS khi tham gia các hoạt động thực tế. Đặc biệt, cần phối hợp cùng cha mẹ HS để quản lý HS trong hoạt động dã ngoại.

Mặc dù chúng ta đã hoàn thiện hành lang pháp lý khá đầy đủ nhằm giảm thiểu rủi ro, tạo sự phòng ngừa tốt nhất nhưng do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt nên thỉnh thoảng lại xảy ra một số vụ việc đau lòng

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị - Công tác HS-SV (Bộ GD-ĐT)

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, địa phương vừa có 3 HS Trường THPT Đông Anh thương vong vì “tàu lượn siêu tốc” ở Phú Thọ trong chuyến đi dã ngoại, cho biết trước khi diễn ra hoạt động này, nhà trường đã thực hiện mọi quy trình về tổ chức, lấy ý kiến cha mẹ HS...
Đáng chú ý, năm 2014 tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), nơi xảy ra tai nạn “tàu lượn siêu tốc” cũng từng xảy ra tai nạn gần như tương tự. 12 HS THCS ở H.Thanh Trì (Hà Nội) đang chơi trên đu quay thì đu quay rơi xuống đất từ độ cao 2 m, khiến 6 em phải nhập viện. Do vậy, việc tiếp tục chọn địa điểm này để đưa HS đi tham quan là điều khiến dư luận đặt câu hỏi và bất an.
Ông Phạm Xuân Tiến cho biết sau sự việc đau lòng này, Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh rõ hơn việc tổ chức phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để HS tham gia các trò chơi mạo hiểm, đồng thời tăng cường quản lý HS, không để xảy ra các trường hợp tương tự.
Năm 2020, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu tổ chức các hoạt động tham quan, học tập ngoại khóa phải phù hợp với lứa tuổi, đối tượng tham gia, được thống nhất bởi phụ huynh HS, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có đủ năng lực, uy tín, cán bộ giáo viên (GV), phụ huynh phải cùng tham gia và quản lý HS...

Chưa có nghiệp vụ về an toàn trường học

Vụ trưởng Bùi Văn Linh nhìn nhận: “Mặc dù chúng ta đã hoàn thiện hành lang pháp lý khá đầy đủ nhằm giảm thiểu rủi ro, tạo sự phòng ngừa tốt nhất nhưng do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt nên thỉnh thoảng lại xảy ra một số vụ việc đau lòng”.
Trường THPT Phan Huy Chú, Q.Đống Đa, Hà Nội liên tục tổ chức tuần lễ trải nghiệm cho HS trong mỗi học kỳ. Năm nay, toàn bộ HS khối 12 của trường vừa trải qua đợt trải nghiệm thực tế từ ngày 13 - 15.1 vào miền Trung với tổng cộng hơn 1.000 km đi và về. Hành trình nhằm giáo dục cho HS về lịch sử, văn hóa dân tộc...
Để tổ chức một hành trình như vậy với hàng chục lớp, nhà trường phải xây dựng kế hoạch vô cùng tỉ mỉ, chi tiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS và những người tham gia; có bộ phận y tế với những thiết bị cần thiết nhất. Trong suốt hành trình, GV và ban giám hiệu vẫn là người thức sau cùng, điểm danh từng phòng để nhắc các em ngủ đúng giờ...
Lãnh đạo nhà trường chia sẻ: Nếu muốn an toàn thì chắc chắn sẽ không chọn kế hoạch giáo dục với những tuần trải nghiệm hằng năm vì chắc chắn “dạy trải nghiệm” sẽ khổ hơn “dạy bình thường” và lại gặp nhiều áp lực từ các phía, nhất là chịu trách nhiệm về sự an toàn cho cả ngàn HS, đồng nghĩa với sự giám sát, dõi theo của hàng ngàn gia đình. Nếu thụ động, nếu thiếu bản lĩnh thì sẽ luôn bị căng thẳng.
Bà Phan Thị Thắng, người từng có hơn 30 năm làm hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội, chia sẻ: “Khi xây dựng kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa, yếu tố an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Trước tiên là phải chọn lựa những địa điểm an toàn và đích thân ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ HS phải đi tiền trạm. Nếu thấy an toàn cả về địa điểm, về thực phẩm và phù hợp với lứa tuổi, với mục tiêu mà chuyến đi hướng tới thì mới quyết định”.
Cũng theo bà Thắng, trước mỗi chuyến trải nghiệm hay đơn thuần là tham quan, HS sẽ được nhắc nhở kỹ về các nội quy, trong đó luôn nhấn mạnh phải đi theo đoàn, theo nhóm và sự chỉ dẫn của GV, nhân viên hướng dẫn...
Tuy nhiên, không ít ý kiến chuyên gia đặt ra rằng an toàn tính mạng tại trường học cần được nhìn dưới góc độ quản trị rủi ro một cách khoa học hơn. Tại Việt Nam, chuyên ngành an toàn trường học chưa được đào tạo, việc bảo đảm an toàn thường được kiêm nhiệm bởi phó hiệu trưởng phụ trách và giao cho GV chủ nhiệm từng lớp chịu trách nhiệm, chưa có chuyên gia an toàn thực sự. GV có trách nhiệm nhưng không có nghiệp vụ về phòng chống, đánh giá rủi ro hay xử lý sự cố, tai nạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.