Tai nạn giao thông cần CSGT trình độ đại học điều tra và ứng dụng VNeID

10/12/2024 06:45 GMT+7

Nếu giấy tờ đã tích hợp trong VNeID, khi tạm giữ giấy tờ của tài xế liên quan tai nạn giao thông, CSGT thực hiện trên môi trường điện tử.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 72/2024/TT-BCA vào ngày 13.11.2024, quy định quy trình điều tra và giải quyết tai nạn giao thông đường bộ cho lực lượng CSGT, có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Thông tư này thay thế Thông tư 63/2020, tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc xử lý các vụ tai nạn giao thông. VNeID đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều tra và xử lý sự cố. Những cải tiến này hứa hẹn tăng cường an toàn và hiệu quả trong công tác đảm bảo giao thông.

Tại điều 10 Thông tư 72 quy định, việc tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo điều 125 luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 và các quy định khác có liên quan.

Cụ thể, đối với trường hợp các giấy tờ có liên quan người và phương tiện giao thông đã được tích hợp trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia khi tạm giữ giấy tờ, CSGT thực hiện việc tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử (VNeID).

Tai nạn giao thông cần CSGT trình độ đại học điều tra và ứng dụng VNeID- Ảnh 1.

Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định, tài xế liên quan tai nạn giao thông bị tạm giữ giấy tờ trên VNeID

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Tai nạn giao thông cần CSGT có trình độ đại học điều tra và ứng dụng VNeID

Điều 3, Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định:

1. Tiêu chuẩn của cán bộ CSGT làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ

  • Có trình độ đại học an ninh, đại học cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. Trường hợp tốt nghiệp đại học các trường ngoài ngành công an đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh, cảnh sát theo quy định.
  • Có thời gian công tác trong lực lượng CSGT từ 6 tháng trở lên.
  • Đã được công nhận hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

2. Phân công cán bộ điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ

  • Khi phân công cán bộ thụ lý điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ phải có ít nhất 1 cán bộ thụ lý chính. Cán bộ thụ lý chính chịu trách nhiệm chung, cán bộ hỗ trợ (nếu có) chịu trách nhiệm đối với các nhiệm vụ được phân công;
  • Cán bộ được phân công thụ lý điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ thực hiện theo quy định tại điều 83 luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, Thông tư 72 và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

Chi phí cứu hộ tai nạn do chủ phương tiện chi trả

Ngoài ra, cũng tại Thông tư 72 sắp có hiệu lực, Bộ Công an bổ sung quy định mọi chi phí cứu hộ trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ do chủ phương tiện chịu trách nhiệm chi trả. Đây là nội dung chưa được đề cập trong thông tư cũ.

Chi phí này được tính đến trong trường hợp các phương tiện liên quan vụ tai nạn giao thông đường bộ bị hư hỏng, không còn hoạt động được thì phải thông báo cho các đơn vị có chức năng cứu hộ bố trí phương tiện cẩu, kéo chuyên dụng phù hợp đến hiện trường để cứu hộ phương tiện vào nơi thích hợp theo yêu cầu của cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn.

Liên quan trách nhiệm của cán bộ CSGT trong khi làm nhiệm vụ tại hiện trường, theo điều 7 Thông tư 74 cũng tăng thêm một nội dung cần điều tra, xác minh về vụ tai nạn, là "có hay không có dấu hiệu tội phạm".

Điều 7, Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định: nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông đường bộ

1. Khi tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông đường bộ, cán bộ Cảnh sát giao thông có trách nhiệm làm rõ:

a) Có hay không có dấu hiệu tội phạm;

b) Có hay không có hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ;

c) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;

d) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

đ) Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ gây ra;

e) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ;

g) Bất cập, sơ hở, thiếu sót trong tổ chức giao thông, chất lượng hạ tầng giao thông; quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông;

h) Trong quá trình điều tra, xác minh có thể đề xuất trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.