Tai nạn máy bay quân sự 32 năm trước - Kỳ 5: Bài học xương máu

Sau sự kiện ngày 16.9.1987, lịch sử trung đoàn không quân 918 (nay là lữ đoàn 918) cũng thừa nhận, vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng của máy bay An-26 số hiệu 285 đã phản ánh sự xem nhẹ lãnh đạo bảo đảm an toàn bay.

Ngày 26.7, ngôi mộ tập thể cho những nạn nhân chuyến bay An-26 số hiệu 285 đã được di chuyển vào trong nghĩa trang liệt sĩ TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đây là kết quả của những tháng ngày đề nghị không mệt mỏi của một số thân nhân và cựu chiến binh.

Ước mong của người sống

Cuối năm 2006, khi được một số đồng đội của chồng cho biết, tại Bảo Lộc, Lâm Đồng có xây một ngôi mộ tập thể chôn hài cốt các nạn nhân vụ rơi máy bay An-26 số hiệu 285, quy tập thời điểm 1991, bà Nguyễn Thị Hiển (vợ liệt sĩ Vương Hữu Quý) cùng người thân từ Hà Nội tìm vào Lâm Đồng. Từ TP.Đà Lạt, mẹ con bà Hiển xuôi xuống TX.Bảo Lộc (nay là TP.Bảo Lộc) và tìm đến nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) nằm cạnh QL20 (thuộc xã Lộc Châu) tìm ngôi mộ nhưng nửa ngày không thấy. Mãi đến buổi trưa, khi người quản trang về, mẹ con bà mới biết ngôi mộ nằm ngoài tường rào NTLS, ngay ngã ba đường mòn vào nhà dân. “Ngôi mộ ít được chăm sóc, cây cỏ mọc đầy xung quanh. Người dân xung quanh nói mộ mới được tu bổ, lát gạch đỏ và làm tấm bia nhận dạng, nên mới dễ nhìn thấy”, bà Hiển chấm nước mắt nhớ lại và kể: “Sau chuyến đi đó, tôi lần mò chắp nối tìm thân nhân của những người bị nạn, báo cho mọi người biết có ngôi mộ tập thể để thi thoảng tìm đến dọn dẹp hương khói.

Di ảnh liệt sĩ Phạm Sỹ Minh và vợ tại bàn thờ gia đình

Ảnh: Lê Phượng

Chị Võ Thị Lan Phương (ở TP.Đà Nẵng), con gái của liệt sĩ - đại tá Võ Xuân Phong (gặp nạn khi đi trên máy bay An-26 số hiệu 285 khi là Phó tham mưu trưởng mặt trận 579, đi tổng kết chiến dịch mùa khô), cứ dịp 27.7 và 16.9 là lặn lội mấy chặng tàu xe từ TP.Đà Nẵng vào TP.Bảo Lộc viếng mộ. “Vẫn biết người dân địa phương quan tâm chăm sóc ngôi mộ tập thể, nhưng cũng không thể thường xuyên, nên mỗi lần vào cắt cỏ, quét lá, dọn cây, rất xót xa. Một phần xương cốt của ba tôi và các liệt sĩ cũng nằm chung đây với các nạn nhân, chỉ mong được đưa vào NTLS để được nhang khói thường xuyên và cũng không lo bị hư hỏng mộ phần”, chị Phương thở dài, mong mỏi.

Đại tá Bùi Xuân Thảnh (trái), nguyên Chủ nhiệm chính trị Học viện Lục quân Đà Lạt trao đổi với PV Thanh Niên

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đại tá Nguyễn Thanh Lâm (Tư Lâm), nguyên Giám đốc nhà máy A41 Quân chủng Phòng không - Không quân (QCPKKQ) là người rất quan tâm đến đồng đội và chính sách hậu phương. Năm 2006 nghỉ hưu, ông Tư Lâm lên Bảo Lộc mua căn nhà nhỏ ở và lần mò tìm lại, chắp nối những người đã tìm, cứu hộ máy bay An-26 số 285 với một số người thân của nạn nhân chuyến bay. Không chỉ vậy, ông Tư Lâm còn huy động, quyên góp các cựu chiến binh bỏ tiền tôn tạo lại hàng rào xung quanh, gắn bia mộ ghi tên 62 nạn nhân, đặt ghế đá… “Mỗi năm, số người thân của nạn nhân đến thăm viếng lại càng nhiều thêm. Đặc biệt, ngày 16.9 hằng năm là ngày giỗ chung, mọi người từ các vùng miền, địa phương tụ họp quanh ngôi mộ tập thể. Ai cũng mong ngôi mộ được di chuyển vào trong NTLS”, đại tá Nguyễn Thanh Lâm kể và giải thích: “Ngôi mộ hiện nằm trong phần đất của người dân. Thân nhân lại toàn ở các tỉnh xa, không có điều kiện thường xuyên chăm sóc mộ”.

Nối dây đoàn tụ

Ngày 26.7, ngôi mộ tập thể đã được chuyển vào NTLS TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), đúng dịp 74 năm ngày Thương binh, liệt sĩ. Có được cái kết rất ý nghĩa này, phải kể đến sự kiên trì của các thân nhân liệt sĩ-tử sĩ và tinh thần phục vụ người dân, thực tâm đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người đã ngã xuống, của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, Thành ủy, UBND TP.Bảo Lộc và lữ đoàn 918, QCPKKQ. Theo đó, đầu tháng 7 vừa qua, sau khi nhận được công văn của Lữ đoàn 918 đề nghị hỗ trợ di dời mộ tập thể của tổ bay An-26 số hiệu 285 từ thôn Tân Châu, X.Lộc Châu, TP.Bảo Lộc vào NTLS TP.Bảo Lộc, UBND TP.Bảo Lộc đã khảo cứu - báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy “Trong số hài cốt của 62 nạn nhân (tìm thấy thêm trong đợt 3, năm 1991 - PV) chôn cất cạnh NTLS TP.Bảo Lộc, có một số được công nhận liệt sĩ, số còn lại đều là quân nhân, có 5 người dân sự” và đề nghị đồng ý cho di chuyển mộ tập thể vào trong khuôn viên NTLS TP.Bảo Lộc trước ngày 27.7.2019. Thành ủy Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã đồng ý chủ trương và giao UBND TP.Bảo Lộc chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện việc di dời theo quy định.

Gia đình liệt sĩ Phạm Sỹ Minh nhận Bằng Tổ quốc ghi công đầu năm 1992

Ảnh tư liệu gia đình

Nhận được tin này, các thân nhân những người đã nằm xuống mừng lắm, hẹn nhau từ Bắc - Trung - Nam tụ họp về TP.Bảo Lộc cùng với chính quyền địa phương di chuyển ngôi mộ. Chị Nguyễn Thị Hiển (vợ liệt sĩ Vương Hữu Quý) đưa hết các con vào trước mấy ngày, thuê nhà trọ ngay cạnh NTLS để mỗi ngày sang vị trí chuyển mới. Quay lại mộ cũ, chị thầm thì với chồng: “Ông được đoàn tụ với đồng đội, tôi có chết cũng an lòng”. Chị Võ Thị Lan Phương chia sẻ: “Nếu không có những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm và thấu hiểu nguyện vọng người dân thì ước mong của chúng tôi mãi mãi không thành”…

Giảng bình vụ An-26 số hiệu 285

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiển (than nhân liệt sĩ Vương Hữu Quý) viếng mộ tập thể năm 2006. Thời điểm này, ngôi mộ vừa được ngành chức năng của Bộ quốc phòng, tỉnh Lâm Đồng sửa chữa, tu bổ

Ảnh tư liệu gia đình

Đại tá Nguyễn Duy Lê, nguyên Trưởng phòng Quản lý - điều hành bay của QCPKKQ cho biết, trong số 62 nạn nhân đi trên chuyến bay An-26 số hiệu 285, chỉ một số người đang đi làm nhiệm vụ, công tác được công nhận liệt sĩ. Hồi ấy giao thông Bắc - Nam đi lại khó khăn nên máy bay vận tải quân sự còn kiêm thêm nhiệm vụ chở khách (chủ yếu là quân nhân và người nhà quân nhân) theo sự đồng ý của cấp trên. Tuy nhiên, sau sự kiện ngày 16.9.1987, lịch sử trung đoàn không quân 918 (nay là lữ đoàn 918) cũng thừa nhận: “Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng của máy bay An-26 số hiệu 285 đã phản ánh sự xem nhẹ lãnh đạo bảo đảm an toàn bay và đấu tranh chống phòng ngừa tai nạn bay; đồng thời bộc lộ nhiều khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo chống tiêu cực trong hoạt động bay quân sự”. “Để rút kinh nghiệm trong công tác bay, cứu nạn thì những cuộc giảng bình vụ 285 đối với phi công - nhân viên bay vẫn chưa đủ. Cần hơn cả là phải thực sự coi đó là “bài học xương máu” hiện hữu qua những vụ tai nạn máy bay quân sự gần đây”, đại tá Nguyễn Anh Sơn, nguyên Chủ nhiệm bay Lữ đoàn 918 nhấn mạnh.

Di ảnh liệt sĩ Trần Đại Nghĩa (giữa) tại gia đình

Ảnh: Hoài Anh

Đối với thân nhân của các nạn nhân, vết thương 32 năm đã dần liền. Nhưng vẫn còn ít người biết đến ngôi mộ chung xương cốt của các nạn nhân được đưa về từ năm 1991, mới được đưa vào NTLS TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Bia đá ngôi mộ khắc từ năm 1991 vẫn rành rọt “Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy quân sự Lâm Đồng, UBND TX.Bảo Lộc, Cơ quan quân sự thị xã” lập mộ, nhắc nhở: 32 năm trước, có những người lính đã trở về lành lặn sau cuộc chiến thống nhất - bảo vệ đất nước, thực hiện nhiệm vụ quốc tế nhưng lại nằm xuống ngay thời bình và họ không phản bội Tổ quốc, cướp máy bay trốn đi nước ngoài… như những kẻ ác độc vẫn đồn thổi.
 

Hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ An-26 số 285

Di ảnh và Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Dũng, hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ - quy tập nạn nhân chuyến bay An-26 số 285

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đó là trung sĩ Nguyễn Dũng, sinh năm 1963, hy sinh ngày 5.6.1988 trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt các nạn nhân chuyến bay An-26 số hiệu 285.
Anh Nguyễn Văn Nguyên (hiện đang sống tại P.2, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), anh trai của liệt sĩ Nguyễn Dũng kể lại: Tháng 4.1988, trung sĩ Nguyễn Dũng tròn 25 tuổi - là chiến sĩ thuộc đại đội Công binh, Phòng tham mưu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng. Sắp hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, trở về gia đình ở P.2, TP.Đà Lạt thì anh Dũng cùng đơn vị nhận nhiệm vụ lên núi Lẹp tìm kiếm cứu nạn, quy tập hài cốt các nạn nhân trong vụ máy bay An-26 số hiệu 285 rơi tại Bảo Lộc ngày 16.9.1988. Anh Nguyên rành mạch: “Đầu tháng 6.1988, Dũng kết thúc chuyến công tác, ghé qua nhà đưa cho xem cái phao bơi và kể: “Chúng em ở trong rừng từ đầu tháng 4 đến giờ để thu dọn hiện trường rơi máy bay. Rừng thiêng nước độc, ruồi muỗi rắn rết, ăn uống kham khổ… nhưng anh em đều làm việc suốt ngày đêm, rất gian khổ”. Về được một hôm thì anh Dũng phải đưa cấp cứu trong bệnh viện tỉnh vì sốt rét ác tính và mất ngay trong ngày 5.6.1988. Sau hơn 10 năm, đầu tháng 7.1999, trung sĩ Nguyễn Dũng mới được công nhận liệt sĩ và ngày 9.7.1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Bằng Tổ quốc ghi công. Hiện mộ phần anh Dũng được đặt trong NTLS tỉnh Lâm Đồng.

Linh thiêng người nằm xuống

Trong số 12 liệt sĩ trong chuyến bay An-26 số 285 được xác minh chính xác đến thời điểm này, ngoài 7 thành viên tổ bay của lữ đoàn 918, 2 sĩ quan cao cấp mặt trận 579, còn có 3 cán bộ của Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là những liệt sĩ được các PV-CTV Báo Thanh Niên tìm được sau nhiều tháng liên hệ, nhờ trợ giúp của cơ quan chức năng. Với liệt sĩ Phạm Sỹ Minh (khi hy sinh là đại tá, trợ lý Phòng thể dục thể thao, Cục quân huấn), chúng tôi phải tìm đến tận NTLS Nhổn và lần mò tìm đến người con út đang ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, TP.Hà Nội), sau đó sang người con cả ở Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để có thông tin chính xác về liệt sĩ. Riêng trung tá Trần Đại Nghĩa (khi hy sinh là trung tá, trợ lý phòng chiến thuật, cục quân huấn), chúng tôi phải tìm về tận quê nhà (Thanh Thủy, Thanh Liêm, Hà Nam), sau đó mới tìm được vợ con anh đang ở Hà Nội…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.