Thực tế cho thấy, một vài đội tuyển khác ở nước ta đã cải thiện được thành tích quốc tế nhờ vào nguồn lực VĐV Việt kiều.
Bóng rổ đi đầu trong việc nhập tịch VĐV
Bóng rổ là môn thể thao có nhiều VĐV Việt kiều về nước thi đấu nhất. Các CLB ở giải chuyên nghiệp Việt Nam đều có sự góp mặt của VĐV Việt kiều như: Tâm Đinh (Hanoi Buffaloes), Justin Young (Thanglong Warriors), Vicent Nguyễn (Ho Chi Minh City Wings), Michael Trương (Saigon Heat), William Trần (Cantho Catfish), Sang Đinh (Hanoi Buffaloes), Horace Nguyễn (Danang Dragons), Tommy Huỳnh (Nha Trang Dolphins). Không chỉ tạo điều kiện cho cầu thủ Việt kiều thi đấu ở giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) mà các CLB bóng rổ còn có chế độ đãi ngộ tốt dành cho những tài năng này và họ còn đóng góp công sức đáng kể cho tuyển bóng rổ quốc gia.
Tâm Đinh, Sang Đinh, Justin Young, Khoa Trần, Stefan Nguyễn, Horace Nguyễn là những cầu thủ gốc Việt đầu tiên trở về thi đấu trong nước và đóng góp vào tấm HCĐ lịch sử cho bóng rổ Việt Nam ở SEA Games 30 (năm 2019). Dù ban đầu bị vấp phải rào cản ngôn ngữ lẫn sinh hoạt chung nhưng dần dần các cầu thủ Việt kiều cũng hòa nhập, thậm chí hòa nhập rất tốt.
VĐV quần vợt Thái Sơn Kwiatkowski (trái) sẽ thi đấu tại SEA Games 31 vì đã nhập tịch thành công nhưng thủ môn Filip Nguyễn (phải) vẫn chưa thể nhập tịch Việt Nam |
KHẢ HÒA - FBNV |
SEA Games 31 vào tháng 5 năm nay, tuyển quần vợt Việt Nam chào đón tay vợt rất mạnh Thái Sơn Kwiatkowski, hiện xếp hạng 305 ATP. Tháng 2 năm ngoái, tay vợt người Mỹ gốc Việt hoàn tất thủ tục nhập tịch Việt Nam. SEA Games 31 trùng thời điểm giải Pháp mở rộng - giải đấu mà Thái Sơn Kwiatkowski có đủ điều kiện tranh tài nhưng anh quyết định tạm gác giải đấu này để thi đấu cho tuyển quần vợt Việt Nam. Năm 2019, tay vợt gốc Việt khác là Daniel Nguyễn cũng theo tiếng gọi quê hương và tạo được ấn tượng nhất định khi khoác áo tuyển quần vợt Việt Nam tại SEA Games 30. Lần này với sự có mặt của Thái Sơn Kwiatkowski, quần vợt Việt Nam hứa hẹn giữ vững vị thế số 1 các nội dung nam tại SEA Games 31.
Ở môn bóng đá lại đang có một số khó khăn nhất định nên con đường trở về quê nhà để khoác áo tuyển Việt Nam của nhiều cầu thủ (cả nam và nữ) gốc Việt không dễ dàng. Trong những số báo gần đây, Báo Thanh Niên đã điểm tên những cầu thủ gốc Việt hiện chưa được nhập tịch Việt Nam dù gia đình và bản thân họ đều tha thiết muốn được cống hiến cho đội bóng quê hương. Các HLV đội tuyển Việt Nam như ông Park Hang-seo hay Mai Đức Chung đều nhận định rằng cầu thủ Việt kiều là nguồn tài nguyên quý mà Việt Nam cần phải biết trọng dụng. Mới đây, khi tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023, HLV Mai Đức Chung đã bày tỏ nguyện vọng, giá như ông có được ít nhất 1 cầu thủ Việt kiều. “Tôi đã chấm được 1 trung vệ và 1 tiền vệ gốc Việt đang thi đấu chuyên nghiệp tại Úc, nhưng thủ tục nhập tịch dường như đang là rào cản, khiến họ không dễ được khoác áo tuyển Việt Nam”, ông Chung chia sẻ.
Luật sư nói gì ?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: “Căn cứ khoản 1 điều 19 luật Quốc tịch Việt Nam (đã được sửa đổi bổ sung) thì công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; c) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam; d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Do đó có thể thấy rào cản lớn nhất hiện nay là điều kiện đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với các cầu thủ. Tuy nhiên, tại khoản 2 cũng quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Việc thi đấu thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng trên đấu trường quốc tế là sự thể hiện vì màu cờ sắc áo dân tộc, cũng có thể được xem là có lợi cho nhà nước Việt Nam. Do vậy, có thể áp dụng điều luật này cho các tuyển thủ là Việt kiều nếu Việt Nam thấy họ thật cần thiết”.
Đừng lãng phí tài năng
Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cũng cho biết trong quá trình hỗ trợ cầu thủ Việt kiều thực hiện các quy trình nhập tịch, VFF đã tìm hiểu về các cơ chế, chính sách liên quan vấn đề này. Trong đó có Nghị quyết 16 của Chính phủ về hướng dẫn luật Quốc tịch Việt Nam ban hành đầu năm 2020, cũng ghi rõ, người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam là người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho đất nước Việt Nam, là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục… Ngoài ra, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng nêu rõ, Việt Nam cần phát huy tối đa năng lực và trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.
Theo nghị quyết này, hiện nay có khoảng vài triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển, phần đông bà con ngày càng ổn định cuộc sống và hòa nhập vào xã hội nơi cư trú, có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội ở nước sở tại, mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương.
Một quan chức của VFF cho biết: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao. Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cụ thể hóa và hoàn thiện hơn nữa các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại trong nước của người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thông thoáng, thuận tiện và đơn giản thủ tục. Tạo điều kiện cho các VĐV là người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn, thi đấu, tham gia các đoàn, các đội tuyển Việt Nam đi biểu diễn và thi đấu quốc tế”. VFF hy vọng trong thời gian tới, việc nhập tịch cho các cầu thủ gốc Việt sẽ thuận lợi hơn.
Có vợ là người Việt Nam, thủ môn Filip Nguyễn đủ điều kiện nhập tịch
Vài năm trước, thủ môn Filip Nguyễn từng được cơ quan hữu quan tại Việt Nam trả lại hồ sơ vì không đủ điều kiện nhập tịch. Theo luật Quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có thẻ cư trú tại Việt Nam và nộp hồ sơ có thẻ cư trú đó cho Sở Tư pháp ở địa phương, nhưng Filip Nguyễn chưa bao giờ cư trú ở Việt Nam nên không được cấp thẻ - thiếu 1 trong các điều kiện để nhập tịch. Tuy nhiên, Filip Nguyễn đã lấy vợ (cũng là Việt kiều và là công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam) nên theo luật Quốc tịch, anh hoàn toàn đủ điều kiện trở thành công dân Việt Nam như ước nguyện của anh và gia đình.
Trung Ninh
Bình luận (0)