Điều đáng nói, mỏ đá lậu này nằm không quá xa trung tâm xã và huyện, nhưng cán bộ có chức trách tại đây vẫn không hề ngăn chặn trước khi bị công an triệt phá.
Khi ập vào hòn núi nằm cách trung tâm xã Châu Lộc (H.Quỳ Hợp) khoảng 7 km, lực lượng công an bắt quả tang 23 người đang sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại để khai thác đá. 1.200 m3 đá trắng đã bị lấy đi. Hai giám đốc doanh nghiệp và 3 người khác là đồng phạm vụ khai thác đá này đã bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Lực lượng công an bắt quả tang vụ khai thác đá trắng ở xã Châu Lộc |
C.A |
Cuối tháng 5 vừa qua, Công an Nghệ An tiếp tục bắt giữ 4 nhóm người cùng nhiều phương tiện máy móc đang khai thác đá trái phép tại xã Nghĩa Đức, H.Nghĩa Đàn. Các tảng đá lớn được các nhóm người này sử dụng 4 máy xúc, 2 xe ô tô tải, 4 hệ thống máy khoan đá để cắt, đưa lên xe tải vận chuyển về các xưởng chế biến đá ở H.Quỳ Hợp. Khối lượng đá bị khai thác trái phép là hơn 508 m3. Các nhóm này khai nhận đã khai thác đá từ 7 ngày trước đó, hoạt động từ sáng đến chiều tối.
Hoạt động khai thác đá lậu công khai và có tổ chức như thế, nhưng rất khó hiểu là chính quyền địa phương không hề ra tay ngăn chặn. Quản lý, giám sát, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc khai thác đá lậu diễn ra rất quy mô, công khai và kéo dài nhiều ngày nhưng vì sao không phát hiện và ngăn chặn?
Nghệ An là một trong rất ít địa phương ở nước ta có khối lượng đá trắng khá lớn rất có giá trị kinh tế. Nhưng nhiều năm qua, việc quản lý lỏng lẻo đã khiến một khối lượng tài nguyên rất lớn bị đánh cắp. Mất cắp tài nguyên không chỉ mất đi nguồn thu lớn từ nguồn thuế mà còn tạo ra sự bất công, tiền lệ xấu trong quản lý và thực thi kỷ cương phép nước.
Bình luận (0)