Tài sản 8 người bằng phân nửa dân số thế giới

17/01/2017 08:00 GMT+7

Sự chênh lệnh giàu nghèo ngày càng gia tăng trên thế giới đang tác động lên nền chính trị toàn cầu.

Tổ chức Chống nạn nghèo đói Oxfam cho hay họ cảm thấy kinh hoàng khi phát hiện một nhóm 8 tỉ phú hàng đầu thế giới hiện nắm trong tay hơn 426 tỉ USD, tương đương với tài sản của 3,6 tỉ người trên thế giới gộp lại.
Bất bình gia tăng
25 năm nữa sẽ có tỉ phú ngàn tỉ USD
Báo cáo của Oxfam nhấn mạnh các nền kinh tế trên thế giới đang ngày càng làm giàu hơn cho tầng lớp thượng lưu bằng cách đánh đổi lợi ích của những người nghèo nhất thế giới, đa số là phụ nữ. Nhóm giàu nhất thế giới đang tích tụ của cải với tốc độ khủng khiếp, đến mức thế giới có thể xuất hiện tỉ phú ngàn tỉ USD trong 25 năm nữa, theo Oxfam. Để dễ hình dung, mỗi ngày một người phải chi xài 1 triệu USD trong suốt 2.738 năm ròng rã nếu muốn sử dụng hết 1.000 tỉ USD.
Trong báo cáo tựa đề “Nền kinh tế cho 99%” được cố ý công bố vào thời điểm khởi đầu của tuần lễ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), Oxfam cảnh báo khoảng cách giàu nghèo đang nới rộng hơn nhiều so với một năm trước.
Cách đây 1 năm, 62 tỉ phú có giá trị tài sản bằng phân nửa dân số thế giới. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh xuống còn 8 người vào năm 2017 do thông tin mới do Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse tổng hợp cho thấy tình trạng nghèo đói ở Trung Quốc và Ấn Độ tệ hơn so với dự đoán.
Dựa trên danh sách tỉ phú của tạp chí Forbes xếp hạng vào tháng 3.2016, nhóm 8 đại gia này bao gồm nhà sáng lập Microsoft Bill Gates (75 tỉ USD), nhà sáng lập đế chế thời trang Tây Ban Nha Amancio Ortega (67 tỉ USD), nhà đầu tư tài chính Warren Buffett (60,8 tỉ USD), tỉ phú Mexico Carlos Slim (50 tỉ USD), CEO Amazon Jeff Bezos (45,2 tỉ USD), CEO Facebook Mark Zuckerberg (44,6 tỉ USD), đồng sáng lập Oracle Larry Ellison (43,6 tỉ USD) và cựu thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg (40 tỉ USD).
Oxfam kêu gọi giới lãnh đạo trên vũ đài chính trị lẫn kinh tế thế giới hãy tìm cách cải thiện tình hình chứ không chỉ dừng lại ở những tuyên bố suông. Tâm trạng bất bình trước sự chênh lệnh giàu nghèo hiện đã tạo ra những dư chấn chính trị trên khắp thế giới. Trong đó, sự bất bình đẳng được xem là yếu tố quan trọng giúp các chính trị gia phi truyền thống như ông Donald Trump, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte giành được phiếu, hay dẫn đến quyết định của người dân Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), theo Oxfam.
Trên trang Oxfam.org, Giám đốc điều hành Oxfam thế giới Winnie Byanyima chỉ ra rằng “thật sự nực cười khi khối tài sản quá lớn lại nằm trong tay của quá ít người, khi mà cứ 10 người lại có một người sống với mức dưới 2 USD/ngày. Bất bình đẳng đang kìm kẹp hàng trăm triệu người trong cảnh đói nghèo, làm rạn nứt xã hội của chúng ta và đẩy nền dân chủ vào tình trạng bị xói mòn”.
“Trên khắp thế giới, nhiều người lao động đang bị quẳng lại đằng sau. Lương của họ bị chậm chi trả nhưng các ông chủ doanh nghiệp lại mang về nhà cả triệu USD tiền thưởng; họ không được hưởng dịch vụ y tế và giáo dục trong khi các tập đoàn kinh doanh và những người giàu sụ lại lách thuế; tiếng nói của họ bị phớt lờ trong khi các chính phủ lại “hòa âm đồng điệu” với những doanh nghiệp lớn và tầng lớp thượng lưu của xã hội”, bà Byanyima lên án.
Làm giàu trên người nghèo
Oxfam cho hay các mánh khóe né thuế, trốn thuế của các tập đoàn và công ty khiến các nước nghèo trên thế giới thiệt hại ít nhất 100 tỉ USD mỗi năm, trong khi số tiền này đủ để gửi 124 triệu trẻ em đến trường và chi các quỹ chăm sóc sức khỏe có thể ngăn chặn ít nhất 6 triệu trẻ em thiệt mạng hằng năm.
Báo cáo của Oxfam trình bày cách thức giới siêu giàu lợi dụng một mạng lưới các thiên đường trốn thuế để né thuế (như vụ Hồ sơ Panama) và tuyển mộ các đội ngũ quản lý tiền bạc nhằm đảm bảo đầu tư sinh lời. Khác với những gì mọi người vẫn tưởng, nhiều người trong nhóm siêu giàu không phải là tỉ phú tay trắng làm nên. Các chuyên gia Oxfam chỉ ra rằng hơn phân nửa các tỉ phú thế giới rơi vào hai nhóm: một là thừa hưởng tài sản từ cha mẹ, hai là gom góp tiền của thông qua các ngành công nghiệp dễ xảy ra nạn tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu.
Báo cáo “Nền kinh tế cho 99%” cũng cho thấy mô típ làm giàu của những người giàu nhất thế giới: sử dụng tiền bạc và các mối quan hệ để đảm bảo chính sách tại nước sở tại phục vụ cho hoạt động kinh doanh của họ. Ví dụ, các tỉ phú Brazil tìm cách gây ảnh hưởng lên kết quả bầu cử và vận động thành công trong việc giảm thuế, trong khi các tập đoàn dầu ở Nigeria xoay xở để tận hưởng các khoản miễn giảm thuế đầy ưu đãi.
Oxfam đề nghị các chính phủ chấm dứt sự ưu đãi quá mức cho giới giàu có nếu muốn xóa sổ nạn nghèo đói, tăng thuế nhằm đảm bảo sân chơi hợp lý; gầy dựng các khoản quỹ đầu tư vào giáo dục, sức khỏe và tạo ra công ăn việc làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.