“Đổi ngôi” trong làng tỉ phú thế giới
Nhu cầu học, làm việc trực tuyến diễn ra trên toàn cầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các công ty sản xuất máy tính, thiết bị điện tử phải chạy hết công suất kéo theo các chip điện tử cũng “cháy hàng”. Điều này giúp tỉ phú Takemitsu Takizaki, nhà sáng lập Hãng sản xuất cảm biến điện tử Keyence của Nhật Bản, đã qua mặt ông chủ Hãng thời trang Uniqlo Tadashi Yanai, vươn lên trở thành người giàu nhất nước này. Ông chủ của Hãng thời trang Uniqlo thì ngược lại, cổ phiếu của hãng đã bốc hơi 20% từ đầu năm khi Nhật Bản và các nước châu Á giãn cách xã hội. Theo ước tính của Tạp chí Forbes thì ông Takemitsu Takizaki sở hữu khối tài sản trị giá 35,6 tỉ USD nhờ cổ phiếu công ty tăng gần gấp đôi. Tính đến ngày 13.9, vốn hóa công ty này tăng 167 tỉ USD, trở thành công ty có vốn hóa lớn thứ hai ở Nhật Bản, sau tập đoàn ô tô khổng lồ Toyota.
Nhà máy sản xuất ô tô VINFAST tại Hải Phòng |
PHẠM HÙNG |
Tương tự, đầu tháng 8, thống kê của bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index công bố ông Kim Beom-su (Brian Kim), cha đẻ của ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Hàn Quốc KakaoTalk, là người giàu nhất nước này với khối tài sản 13,4 tỉ USD, vượt qua Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, vốn là người dẫn đầu giới siêu giàu của Hàn Quốc. Tài sản của ông Brian Kim đã tăng 6 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021, khi cổ phiếu Kakao tăng 91% nhờ niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng như kế hoạch ra mắt một số công ty con. Ông được xem là một trong số ít tỉ phú tự thân của Hàn Quốc - đất nước mà nền kinh tế đa phần bị chi phối bởi một số tập đoàn gia đình.
Sản xuất thép Hòa Phát |
CTV |
Ngoài Brian Kim, bảng xếp hạng người giàu Hàn Quốc còn có những cái tên tỉ phú tự thân nổi bật khác như Chang Byung-gyu, Bom Kim và Seo Jung-jin, tất cả đều làm giàu từ lĩnh vực công nghệ. Trong đó, Chang Byung-gyu là Chủ tịch Krafton - công ty sở hữu tựa game sinh tồn nổi tiếng PUBG. Hay Bom Kim là nhà sáng lập, CEO của Coupang - trang thương mại điện tử được ví như Amazon của Hàn Quốc, và là một trong số ít startup kỳ lân tại xứ sở kim chi...
Tại Trung Quốc, tỉ phú Jack Ma (Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba) từng dẫn đầu danh sách người giàu thì năm 2020 tụt xuống vị trí thứ 2 và hiện tại tiếp tục lùi xuống thứ 3, với tài sản khoảng 40,5 tỉ USD. Soán ngôi đầu là tỉ phú Zhong Shanshan, chủ sở hữu Tập đoàn dược phẩm Wantai, với giá trị tài sản ước tính 60,1 tỉ USD. Đứng thứ hai là tỉ phú Ma Huateng, người sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ Tencent, với tài sản trị giá 44,8 tỉ USD...
Các ông chủ của những tập đoàn công nghệ cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong danh sách tỉ phú thế giới. Năm 2021, Tạp chí Forbes vẫn bình chọn người dẫn đầu danh sách này là ông chủ của sàn thương mại trực tuyến Amazon - Jeff Bezos. Đây là năm thứ tư liên tiếp Jeff Bezos giữ vị trí người giàu nhất thế giới với khối tài sản 177 tỉ USD, tăng 64 tỉ USD so với năm 2020 nhờ sự tăng giá cổ phiếu của Amazon. Kế tiếp là tỉ phú Elon Musk, ông chủ Hãng xe hơi Tesla, đã nhảy vọt từ vị trí 31 vào năm 2020 với 24,6 tỉ USD tài sản lên vị trí á quân với tổng tài sản trị giá 151 tỉ USD, sau khi cổ phiếu của Tesla tăng đến 705%...
Theo danh sách tỉ phú mà Forbes công bố, năm 2021 có tổng cộng 2.755 tỉ phú, nhiều hơn năm ngoái 660 người, với tổng khối tài sản có giá trị lên đến 13.100 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 8.000 tỉ USD trong danh sách năm 2020. Số người lần đầu góp mặt trong danh sách này cũng ở mức kỷ lục, với 493 người, tức là cứ hơn 17 giờ đồng hồ lại xuất hiện một tỉ phú mới. 86% các tỉ phú đã trở nên giàu có hơn thời điểm một năm trước.
6 tỉ phú Việt có tài sản 19 tỉ USD
Tại VN, bất chấp đại dịch Covid-19, 2021 cũng là năm VN cũng có nhiều đại diện nhất trong danh sách tỉ phú thế giới do Forbes bình chọn, với 6 người, tăng thêm 2 người so với năm trước. Dù vậy, danh sách các tỉ phú USD tại VN vẫn chưa có những gương mặt mới xuất hiện mà chỉ là những doanh nhân với các công ty đã hoạt động lâu năm. Trong đó, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng lần thứ 9 góp mặt và tiếp tục dẫn đầu, với tài sản 7,3 tỉ USD, đứng thứ 344 thế giới (ông Vượng lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với tài sản đạt 1,5 tỉ USD, đứng thứ 974 thế giới). Tuy nhiên, cập nhật của Forbes đến hết ngày 15.9, tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng giảm xuống 7,1 tỉ USD. Việc tài sản giảm nhẹ có thể do cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup từ đầu tháng 3 là 106.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến ngày 15.9 còn 92.000 đồng sau khi đã tăng mạnh trước đó và điều chỉnh theo biến động chung của thị trường chứng khoán VN.
Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo lần thứ 5 góp mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh với tài sản 2,8 tỉ USD, đứng thứ 1.111. Bà Thảo cũng giữ vai trò Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển TP.HCM và là nữ tỉ phú duy nhất trong danh sách 6 tỉ phú tại VN. Dù ảnh hưởng nặng do các đường bay tại VN trong mấy tháng vừa qua hầu như tạm ngưng do dịch Covid-19, nhưng cổ phiếu VJC của Hãng hàng không Vietjet vẫn tăng nhẹ so với đầu năm.
Nhưng người có tài sản gia tăng mạnh nhất trong hơn 6 tháng qua là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ông Long được Forbes ghi nhận sở hữu 2,2 tỉ USD, đứng thứ 1.444 thế giới. Đến ngày 15.9, tài sản của vị tỉ phú này tăng vọt lên 3,5 tỉ USD và đứng thứ 957 thế giới. Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã tăng khoảng 50% trong vòng 6 tháng qua và tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm. Đó cũng là nguyên nhân đưa tài sản của “vua” thép tăng nhanh nhất trong số các tỉ phú USD tại VN.
Hai tỉ phú tiếp theo cũng có tài sản gia tăng bất chấp dịch Covid-19 là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN (Techcombank) Hồ Hùng Anh với lần thứ 3 góp mặt trong danh sách này khi sở hữu 1,6 tỉ USD và Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang sau khi vắng bóng vào năm 2020 nay quay lại danh sách tỉ phú của Forbes với tài sản 1,2 tỉ USD. Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương được Forbes đưa vào danh sách từ năm 2018 và đầu năm nay tiếp tục được xếp hạng (thứ 1.931 thế giới) với tài sản 1,6 tỉ USD.
Việt Nam đứng thứ 4 khu vực về triệu phú USD
Nhìn chung tài sản của các tỉ phú thế giới đều tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Nếu như vào tháng 3, chỉ có 6 tỉ phú đạt tài sản trên 100 tỉ USD thì đến giữa tháng 9 con số này tăng lên 9 người, trong khi năm 2020 chỉ có duy nhất tỉ phú Jeff Bezos. Tương tự, cách đây hơn nửa năm, tài sản của 6 tỉ phú USD tại VN chỉ đạt hơn 16 tỉ USD thì đến giữa tháng 9 tăng lên 19 tỉ USD.
Không chỉ tài sản của tỉ phú USD gia tăng mà một số báo cáo cũng dự báo số người giàu tại VN sẽ tiếp tục đi lên. Theo dữ liệu từ báo cáo Wealth Report 2021 của Công ty tư vấn Knight Frank, năm 2020 VN có 19.419 triệu phú USD, giảm 6% so với năm 2019. Với lượng triệu phú này, VN đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan. Còn nếu xét số lượng siêu triệu phú, hay còn được gọi là những người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD, VN đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN, với 390 người. Báo cáo của Knight Frank cũng ước tính, tốc độ tăng triệu phú của VN giai đoạn 2020 - 2025 là 32%, trong khi tốc độ tăng người siêu giàu với tổng tài sản trên 30 triệu USD là 31%. Dự báo đến năm 2025, VN sẽ có 511 người siêu giàu và 25.812 triệu phú USD. Báo cáo này cũng dự báo tới năm 2025 dân số siêu giàu châu Á sẽ chiếm 24% toàn cầu, tăng 17% so với một thập kỷ trước.
Tạp chí Forbes đánh giá xếp hạng tài sản của những người giàu nhất thế giới chủ yếu dựa vào giá cổ phiếu. Do đó, việc tài sản của nhiều người giàu trên thế giới và VN gia tăng mạnh không gây ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán khắp nơi liên tục đi lên. Tính đến cuối ngày 15.9, VN-Index đạt 1.345,83 điểm và HNX-Index đạt 353,96 điểm. So với đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng 22%, bỏ xa mức tăng gần 15% của cả năm vừa qua. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng hơn 74% so với đầu năm. Đặc biệt VN-Index liên tục lập đỉnh mới từ đầu tháng 4 đến nay và thanh khoản thị trường cũng lên mức cao kỷ lục với hàng loạt cổ phiếu lập đỉnh mới, khiến tài sản các cổ đông và nhà đầu tư đều gia tăng. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, giá trị tài sản của các tỉ phú thế giới như ở Mỹ thường bao gồm danh mục nhiều tài sản, từ cổ phiếu, bất động sản đến trái phiếu... do bắt buộc phải công khai danh mục tài sản để nộp thuế. Trong khi đó tại VN, hiện tài sản của những người giàu chủ yếu được ghi nhận theo giá thị trường của công ty trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó thường được đánh giá theo số lượng bất động sản sở hữu nếu có công khai. Vì vậy, việc giá cổ phiếu tăng cao sẽ đẩy giá trị tài sản các ông chủ doanh nghiệp lên cao. Ngược lại, các tỉ phú đôi khi bán bớt cổ phiếu để chuyển tiền sang thực hiện các dự án khác nhưng không công bố thì nhìn vào thống kê tài sản sẽ sụt giảm song không phải vì thế mà họ bớt giàu. Dù vậy, từ nay đến cuối năm do nhiều doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động trong suốt quý 3/2021 để phòng chống dịch Covid-19 khi TP.HCM và nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên doanh thu sụt giảm. Do đó, có thể giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh trở lại và tài sản của các tỉ phú USD tại VN cũng có thể đi xuống.
Bình luận (0)