Tài sản người giàu trên sàn chứng khoán tăng gấp đôi

30/12/2017 07:13 GMT+7

Hôm qua 29.12, hàng loạt cổ phiếu tiếp tục tăng giá, đưa tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán VN lên cao hơn gấp đôi so với cuối năm trước.

10 người sở hữu 12 tỉ USD
Kết thúc năm 2017, chỉ số VN-Index đạt mức 984,24 điểm. So với cuối năm trước, VN-Index đã tăng được 48%. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng thêm được 46% khi chốt năm ở mức 116,86 điểm. Sự thăng hoa của thị trường khiến hàng loạt cổ phiếu (CP) tăng giá mạnh. Từ đó, số lượng người giàu trên sàn chứng khoán cũng gia tăng đáng kể. Nếu cách đây vài năm, chỉ cần tài sản có trị giá hơn 1.000 tỉ đồng đã có mặt trong danh sách Top 10 dẫn đầu trên sàn thì nay để lọt được vào danh sách này, giá trị tài sản phải hơn 5.000 tỉ đồng. 
Theo thống kê, tổng giá trị số CP đang được niêm yết trên sàn chứng khoán VN của 10 người giàu nhất hiện đạt hơn 277.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 12 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với cuối năm trước. Dẫn đầu vẫn là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), với tổng tài sản trị giá hơn 124.000 tỉ đồng, tương ứng 5,4 tỉ USD. Khối tài sản này bao gồm 27,4% CP tại VIC do ông Vượng sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư VN (công ty cũng do ông Vượng nắm quyền kiểm soát). Còn theo xếp hạng của tạp chí Forbes (Mỹ), ông Vượng đang đứng ở vị trí người giàu thứ 501 trên thế giới với tổng tài sản trị giá 4,3 tỉ USD.
Như vậy liên tục trong 7 năm, vị trí dẫn đầu của tỉ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa có đối thủ. CP VIC tăng mạnh cũng làm tài sản của hai nữ doanh nhân là bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng - đang đứng ở vị trí thứ 6 và bà Phạm Thúy Hằng đứng vị trí thứ 8 với tài sản trị giá lần lượt là 9.650 tỉ đồng và hơn 6.444 tỉ đồng.
Vị trí thứ hai năm nay vẫn thuộc về ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty cổ phần FLC và ROS với lượng CP trị giá hơn 58.817 tỉ đồng. Tuy nhiên sự giàu có khá nhanh của ông Quyết vẫn khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ, nhất là trong năm nay ông Quyết đã bán chui số lượng lớn CP FLC mà không công bố.
Hầu hết CP của những người giàu đã có mức tăng ấn tượng trong năm qua như HPG, MWG đều cùng tăng 70%. Chỉ riêng NVL của Novaland tăng vỏn vẹn 5% khiến ông chủ Bùi Thành Nhơn từ vị trí thứ 5 trước đó bị đẩy lùi xuống thứ 7.
Xuất hiện gương mặt mới
Vị trí nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán của bà Phạm Thu Hương trong nhiều năm qua đã được thay thế bởi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet, với số CP đang sở hữu có trị giá hơn 24.746 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên bà Phương Thảo xuất hiện trong Top 10 người giàu trên sàn chứng khoán VN và đứng ở vị trí thứ ba. Bà Phương Thảo cũng được Forbes ghi nhận là tỉ phú thứ hai của VN với khối tài sản ước đạt 2,4 tỉ USD, được xếp hạng thứ 1.020 người giàu nhất hành tinh. Ước tính khối tài sản của nữ tỉ phú này sẽ còn gia tăng đáng kể khi Ngân hàng HDBank chính thức niêm yết trong đầu tháng 1.2018.
Gương mặt mới thứ hai trong top 10 năm nay là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vicostone (VCS) đang niêm yết trên sàn Hà Nội. Giá CP VCS đang ở mức 232.000 đồng/CP, tăng gần 81% so với cuối năm trước. Ngoài sở hữu trực tiếp hơn 2 triệu CP của VCS, ông Năng cũng là Chủ tịch Công ty cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A đang sở hữu hơn 61,3 triệu CP VCS. Do đó tổng trị giá tài sản đang niêm yết của ông Hồ Xuân Năng đạt 14.695 tỉ đồng, đứng ở vị trí thứ 5. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động lùi xuống vị trí thứ 9 dù tài sản năm nay đạt hơn 6.000 tỉ đồng, tăng thêm hơn 1.500 tỉ đồng so với trước. Đứng cuối danh sách là bà Vũ Thị Hiền, vợ doanh nhân Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, thị trường chứng khoán tăng mạnh kéo theo lượng CP tăng giá nhiều đã giúp tài sản các doanh nhân tăng đáng kể. Số doanh nhân giàu nhất trong lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm đa số. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định danh sách người giàu trên sàn chứng khoán VN chủ yếu vẫn là những ông chủ trong lĩnh vực bất động sản cho thấy nhu cầu về nhà ở, đất đai, công xưởng... luôn rất lớn, nhất là ở thành phố lớn như TP.HCM. “Sẽ rất khó để có nhiều gương mặt mới thay thế trong top đầu về người giàu này. Trong khi tại Mỹ, danh sách người giàu liên tục thay đổi vì có nhiều công ty công nghệ, có khả năng tạo ra những thành công đột biến khiến tài sản công ty và CP tăng vọt. Còn ở VN, các công ty công nghệ vẫn có quy mô nhỏ, những đơn vị khởi nghiệp thành công chưa nhiều nên khó cạnh tranh được về giá trị tài sản với những ông chủ các doanh nghiệp đã ra đời và hoạt động lâu năm kể trên”, chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.
Theo Bloomberg, một thị trường cận biên tăng mạnh nhất trong nhóm các thị trường châu Á về phương diện phần trăm trong năm nay là VN. Quy mô của thị trường chứng khoán VN đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua, chủ yếu là nhờ các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, đợt niêm yết thành công của các doanh nghiệp lớn, và đáng chú ý nhất là mức nhảy vọt của VN-Index. Hiện nay, quy mô của thị trường chứng khoán VN đã gần bắt kịp Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.