Tài sản nhiều tỉ phú tiền ảo bốc hơi hàng tỉ USD

02/04/2018 18:37 GMT+7

Trong thế giới tiền thuật toán, tiền tài dễ đến, dễ đi.

Theo Forbes, thị trường tiền thuật toán giảm mạnh từ đầu năm đến nay, bitcoin giảm hơn nửa giá trị. Biến động cực mạnh đặc trưng của ngành công nghiệp non trẻ này khiến một số nhà đầu tư giàu nhất mất cả khối tài sản.
Đơn cử, nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch Ripple Chris Larsen, người đứng đầu danh sách các nhân vật giàu nhất trong thế giới tiền thuật toán của Forbes cách đây hai tháng, chứng kiến tài sản giảm mạnh từ 8 tỉ USD cuối tháng 1 xuống còn 3 tỉ USD hôm nay. Tài sản của ông được tính theo số lượng đồng ripple (XRP) mà ông nắm giữ.
Gần đây, công ty Ripple thông báo hơn 100 tổ chức tài chính đang sử dụng blockchain RippleNet để tăng tốc các giao dịch tài chính. Dù vậy, XRP vẫn không tránh được cảnh mất 1/3 giá trị trong hai tháng qua. Matt Mellon, nhà đầu tư sớm vào Ripple, cũng có tài sản tiền thuật toán lao dốc. Hồi tháng 1, ông Mellon còn có gần 1 tỉ USD song hiện chỉ còn tầm 300-400 triệu USD.
Vitalik Buterin Ảnh: CryptoTelenews
Hai anh em Cameron và Tyler Winklevoss, nhà đồng sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Winklevoss Capital và sàn giao dịch tiền thuật toán Gemini mất khoảng 1/3 giá trị tài sản tiền thuật toán trong hai tháng. Forbes từng ước tính mỗi anh em sở hữu khoảng 600-700 triệu USD. Bộ đôi này đầu tư vào bitcoin từ năm 2012 và tích cực hỗ trợ tiền thuật toán kể từ lúc đó. Tại một sự kiện diễn ra ở New York trong tháng 2 do Bảo tàng Tài chính Mỹ tổ chức, ông Tyler Winklevoss nói rằng 2018 sẽ là năm mà Phố Wall “tràn” đến thị trường tiền ảo.
Đến lượt nhà sáng lập ethereum Vitalik Buterin, tài sản tiền thuật toán của ông mất hơn một nửa giá trị xuống còn 100-200 triệu USD. Dù nền tảng ethereum vẫn tiếp tục thu hút nhiều dự án tiền ảo mới, giá đồng ethereum vẫn lao dốc mạnh từ 1.000 USD xuống còn dưới 400 USD.
Thị trường tiền thuật toán hiện vẫn tăng đáng kể so với mùa hè năm 2017 dù đã rớt giá mạnh đầu năm nay. Bart Stephens, nhà đồng sáng lập kiêm đối tác quản lý tại hãng đầu tư tiền thuật toán Blockchain Capital cho biết khả năng chính phủ can thiệp vào các sàn giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
“Nếu các nhà quản lý Mỹ làm mạnh tay, nếu các sàn giao dịch chịu áp lực bởi giới quản lý thì tính thanh khoán bị cản trở. Kẻ thù của sự hình thành vốn là sự thiếu chắc chắn. Khi bạn không biết luật giao thông thì thật khó mà quyết định nên lái xe bên tay phải hay tay trái, chạy với tốc độ 50 km/giờ hay 100 km/giờ”, ông Stephens nói.
Alex Sunnarborg, thành viên sáng lập quỹ phòng hộ tiền thuật toán Tetras Capital, thì cho rằng thị trường giảm giá là vì không có dòng vốn mới chảy vào. Mùa thu năm ngoái, vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đẩy giá lên. “Để mức giá như thế duy trì được thì cần thêm vốn được bơm vào. Nhiều người đang kỳ vọng rằng tiền của các tổ chức tài chính chuẩn bị bước vô nhưng điều này vẫn chưa thành hiện thực”, Sunnarborg nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.