Tại sao bạn thức dậy lúc 3 giờ sáng mỗi đêm?

05/01/2025 00:07 GMT+7

Thức dậy lúc 3 giờ sáng hoặc giữa đêm là hiện tượng phổ biến khiến nhiều người lo ngại.

Việc thức dậy lúc 3 giờ sáng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài.

Có nhiều yếu tố có thể góp phần làm gián đoạn giấc ngủ và việc nhận biết nguyên nhân để khắc phục là rất quan trọng.

Theo một nghiên cứu ở Mỹ, 35,5% người tham gia khảo sát cho biết họ thức dậy từ 3 đêm trở lên mỗi tuần, bất kể tuổi tác. Trong số đó, 23% người gặp tình trạng thức giấc vào ban đêm hằng ngày.

Khi một người thường xuyên thức dậy vào cùng một khung giờ, như lúc 3 giờ sáng, không thể tiếp tục ngủ lại, đó có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Tại sao bạn thức dậy lúc 3 giờ sáng mỗi đêm?- Ảnh 1.

Khi một người thường xuyên thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, không thể tiếp tục ngủ lại, đó có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Ảnh: AI

Nguyên nhân khiến bạn thường giật mình dậy lúc 3 giờ sáng

Theo Tổ chức giấc ngủ (Sleep Foundation), tiếng ồn ban đêm như tiếng xe cộ, tivi, hay điện thoại có thể là tác nhân. Việc tiếp xúc với ánh sáng cũng góp phần gián đoạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, những vấn đề như tiểu đêm nhiều lần cũng có thể khiến bạn thức giấc.

Ông Rajas Deshpande, chuyên gia thần kinh tại Bệnh viện Jupiter (Ấn Độ), cho biết nhịp sinh học bị gián đoạn có thể là nguyên nhân khiến bạn thức dậy giữa đêm.

Nhịp sinh học, là chu kỳ tự nhiên 24 giờ. Khi nhịp sinh học bị rối loạn, sự sản xuất melatonin - hormone điều hòa giấc ngủ - cũng bị ảnh hưởng, gây khó khăn trong việc ngủ.

Mức độ căng thẳng cao kéo dài thời gian cần để đi vào giấc ngủ và làm gián đoạn chu trình giấc ngủ. Căng thẳng làm tăng các chất hóa học gây stress như cortisol, từ đó làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Lo lắng có thể ảnh hưởng đến giai đoạn REM. Đây là một trong các giai đoạn của chu kỳ giấc ngủ, đặc trưng bởi chuyển động nhanh của mắt hoạt động não bộ tăng cao, thường là lúc con người mơ. Lo lắng cũng có thể gây ra ác mộng hoặc những giấc mơ đáng sợ, làm bạn thức dậy.

Ngoài căng thẳng, các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, hội chứng chân không nghỉ, hay ngưng thở khi ngủ cũng có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường bị tắc nghẽn đường thở, gây ngáy, thở hổn hển hoặc ngắt thở. Hiện tượng này không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ mà còn khiến người bị mệt mỏi vào ban ngày.

Cách cải thiện giấc ngủ

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, cần duy trì một lịch trình ngủ đều đặn, đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày.

Tắt các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi ngủ, tránh sử dụng caffeine, nicotine và rượu, cũng như đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh và mát mẻ.

Việc tham gia vào các hoạt động thể chất đều đặn và hạn chế ăn uống quá no trước khi ngủ cũng góp phần vào việc cải thiện giấc ngủ.

Ngoài ra, việc dành thời gian cho ánh sáng mặt trời cũng rất quan trọng.

Nếu bạn thường xuyên tỉnh dậy vào lúc 3 giờ sáng hoặc giữa đêm, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.