Tại sao bắt con phải giỏi tất cả các môn tiếng Anh, toán, sử, địa...?

08/08/2023 11:43 GMT+7

Thấy 'con nhà người ta' được 10 điểm môn toán trong khi con mình 7-8 điểm, ba mẹ lại càm ràm. Việc ba mẹ luôn muốn con mình phải đạt điểm 10 các môn tiếng Anh, toán, lý hay sử, địa, giáo dục công dân... đã tạo áp lực học tập đáng sợ cho con cái.

Hãy khai thác điểm mạnh của con

Tại buổi tọa đàm "Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 8.8, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi đề cập tới vấn đề làm thế nào để giảm áp lực học tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh các chương trình tiếng Anh tăng cường và chương trình tích hợp.

Giải đáp thắc mắc này, bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhận định: "Bất cứ trường nào cũng có học sinh gặp áp lực trong học tập. Quan trọng là môi trường học tập tại các trường đã tạo điều kiện thế nào để các em không cảm thấy áp lực".

Tại sao bắt con phải giỏi tất cả các môn tiếng Anh, toán, sử, địa...? - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, phát biểu tại buổi tọa đàm "Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 8.8

ĐỘC LẬP

Theo bà Thủy, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có hơn 20 CLB học thuật và kỹ năng và tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ học cho học sinh tham gia. "Cho các em trải nghiệm nhiều chương trình ngoại khóa, tham gia các phong trào để rèn luyện năng lực tư duy và kỹ năng. Đây cũng là một giải pháp quan trọng giúp học sinh giảm áp lực trong học tập. Ngoài ra, trường cũng có phòng tham vấn học đường, quan tâm tới từng em để có giải pháp hỗ trợ nếu gặp áp lực", bà Thủy thông tin.

Trong khi đó, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Hệ thống Trường Quốc tế Á Châu, cho rằng áp lực đôi khi đến từ phụ huynh. "Tâm lý so sánh 'con nhà người ta' đã khiến nhiều phụ huynh tạo áp lực cho chính con mình, muốn con mình phải giỏi tất cả các môn mà không biết khả năng của con mình là gì".

Theo ông Tư, nhiều phụ huynh thấy "con nhà người ta" được 10 điểm môn toán trong khi con mình 7-8 điểm là lại càm ràm. Không chỉ vậy, ba mẹ còn muốn con mình phải đạt điểm 10 tiếng Anh, điểm 10 môn toán và nhiều môn khác mới hài lòng. 

"Vì thế, cha mẹ cho con đi học thêm đến 21-22 giờ đêm để đạt được mong muốn đó, mà không hề biết rằng mỗi đứa trẻ có một thế mạnh nhất định. Nhìn ra điểm mạnh của con, khai thác cá tính, tạo điều kiện cho con phát triển thế mạnh là điều còn thiếu ở phụ huynh", ông Tư nhấn mạnh.

Tại sao bắt con phải giỏi tất cả các môn tiếng Anh, toán, sử, địa...? - Ảnh 2.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Hệ thống Trường Quốc tế Á Châu, phát biểu tại buổi tọa đàm "Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 8.8

ĐỘC LẬP

Để giúp một đứa trẻ có thể phát huy năng lực, cá tính riêng, ông Tư cho biết Trường Quốc tế Á Châu tổ chức lớp học với các dự án để học sinh có cơ hội phát triển kỹ năng tư duy và tìm kiếm thông tin.

"Trường có các CLB nghệ thuật, thể thao, nghiên cứu khoa học, truyền thông và báo chí... Khi tham gia các hoạt động này, học sinh sẽ nhận được giấy chứng nhận. Khi các trường ĐH quốc tế tiếp nhận sinh viên, họ không nhìn vào điểm số cao hay thấp, mà nhìn vào những trải nghiệm, hoạt động của học sinh. Nó phản ánh học sinh có kiến thức và nhìn nhận về cuộc sống, xã hội như thế nào", thạc sĩ Tư chia sẻ.

Muốn hội nhập quốc tế, ngoài tiếng Anh phải biết thêm ngoại ngữ khác 

Tại buổi tọa đàm, vấn đề hội nhập quốc tế cho học sinh được các chuyên gia đặc biệt chú trọng trao đổi.

Bà Trần Thị Hồng Thủy cho biết: "Học sinh và phụ huynh quan tâm rất nhiều tới hội nhập quốc tế. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có 30/62 lớp tổ chức chương trình tiếng Anh tích hợp, cho thấy phụ huynh có sự quan tâm rất lớn và nhu cầu các năm không thay đổi". 

Ngoài ra, theo bà Thủy, trường có các chương trình khác mang tính hội nhập quốc tế. Đối với các lớp không theo học chương trình tích hợp thì có tiếng Anh tăng cường và tin học tăng cường - yếu tố không thể thiếu trong việc hội nhập quốc tế. 

Từ năm học 2022-2023, trường đã cụ thể hóa 2 chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tin học bằng 2 chương trình mới hơn. Đó là chương trình tiếng Anh và tin học theo định hướng chứng chỉ quốc tế. Chứng chỉ này có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

"Trường cũng tổ chức chương trình tiếng Anh với người bản ngữ để tăng cường giao tiếp. Bên cạnh đó, ngoài tiếng Anh, từ năm học 2018-2019, tất cả học sinh đều được tiếp cận thêm tiếng Đức, Trung, Nhật, Pháp. Các em biết thêm một ngoại ngữ là một lợi thế để tiếp cận nền giáo dục ở các nước trên thế giới", bà Thủy chia sẻ. 

Giải đáp thắc mắc về cách phân bổ giờ học ngoại ngữ và chương trình Việt Nam của học sinh bậc THCS trong một ngày, bà Thủy cho hay: "Đối với chương trình của Bộ GD-ĐT, trường đảm bảo tất cả học sinh đều được học đầy đủ số tiết theo quy định của chương trình. Ngoài ra, đối với chương trình tiếng Anh tăng cường thì học thêm tiếng Anh của chương trình tiếng Anh tăng cường; chương trình tích hợp thì học thêm một số tiết toán, khoa học và tiếng Anh của chương trình tích hợp".

Công dân toàn cầu: Cần giỏi cả kỹ năng

Để trở thành công dân toàn cầu, theo ông Cao Quảng Tư, giỏi tiếng Anh và các ngoại ngữ khác vẫn chưa đủ.

"Các em cần được dạy nhiều kỹ năng khác nhau, trong đó có kỹ năng thích nghi trong mọi hoàn cảnh thông qua các dự án học tập. Cái khó của bạn trẻ khi ra nước ngoài đôi khi không phải là tiếng Anh mà chính là khó khăn trong sự hòa nhập do tiếp xúc với học sinh đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Thích nghi tồn tại như thế nào là điều rất quan trọng. Nhiều em có IELTS 7.0 nhưng chưa chắc hoàn thành 4 năm ĐH ở nước ngoài do không có khả năng thích nghi", ông Tư nhận định.

Giải đáp cho thắc mắc học sinh đang học trường quốc tế mà không còn đủ khả năng tài chính thì có thể chuyển sang trường công lập được hay không, thạc sĩ Tư thông tin: "Nếu đang học mà tài chính của gia đình không còn đáp ứng được, muốn chuyển sang trường công lập thì cũng hết sức bình thường. Nhất là trong đợt dịch vừa qua, cũng đã có nhiều trường hợp chuyển như vậy".

Theo thạc sĩ Tư, Trường Quốc tế Á Châu dạy 2 chương trình, chương trình của Bộ GD-ĐT và chương trình quốc tế dựa theo chuẩn AERO của Mỹ. Tốt nghiệp bậc THCS, học sinh có thể thi tuyển sinh vào lớp 10. Nếu học tiếp THPT tại trường, học xong 3 năm, các em thi tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH trong và ngoài nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.