Tại sao các dự án 'xã hội hóa' ở Quảng Ngãi gây bức xúc ?

04/06/2020 06:00 GMT+7

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều dự án mang danh 'xã hội hóa' để giao công viên, đất công cho doanh nghiệp khiến dư luận bức xúc.

Hàng loạt dự án “xã hội hóa” ở tỉnh Quảng Ngãi đang gây bức xúc dư luận đều được thực hiện theo "bài": điều chỉnh hay chuyển đổi quy hoạch, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, và cuối cùng là giao đất kèm theo nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp.

Chủ tịch tỉnh “bẻ lái”

Nhiều người dân ở khu đô thị Ngọc Bảo Viên (TP.Quảng Ngãi) khi tiếp xúc với PV Thanh Niên đều tỏ ra bức xúc về việc dự án (DA) thành phố giáo dục quốc tế Quảng Ngãi (IEC Quảng Ngãi), thuộc Công ty CP đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (trụ sở chính ở TP.HCM), được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi “ưu ái”. Bởi họ cho rằng đất ở đây phải mua, giá thị trường trên đường Huỳnh Thúc Kháng có lúc lên đến 4,2 tỉ đồng/lô (82 m2), không lý gì nhận gần 9 ha đất để làm DA mà nhà đầu tư không tốn tiền theo đúng giá trị của nó, còn được miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian 49 năm làm DA.
Theo người dân, khi mua đất ở khu đô thị Ngọc Bảo Viên đều theo sơ đồ quy hoạch. Lúc đó, khuôn viên IEC Quảng Ngãi được quy hoạch là đất công viên cây xanh, nằm giữa khu đô thị này. Ông Nguyễn Thanh Quân, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC), cho biết khi đơn vị này xây dựng đường Trường Chinh - Cầu Mới gắn với chỉnh trang đô thị ở đây, thì công viên cây xanh (sau này là khuôn viên IEC Quảng Ngãi) là hạng mục được xây dựng hạ tầng. Sau đó, tỉnh Quảng Ngãi bổ sung kinh phí xây dựng thêm hệ thống điện, nước… Khi xây dựng công viên xong, QISC bàn giao cho TP.Quảng Ngãi quản lý, sử dụng. Ông Quân khẳng định công viên cây xanh lúc đó đã hoàn thành, kinh phí đầu tư khoảng hơn 15 tỉ đồng, lấy từ nguồn ngân sách.
Công viên này vốn là tài sản công, được kỳ vọng là “lá phổi xanh” của TP.Quảng Ngãi, nhưng đã sớm “hy sinh” vì bị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi “xóa sổ” để cấp cho doanh nghiệp làm DA. Theo tìm hiểu của PV, ngày 31.7.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký văn bản thống nhất cho Công ty CP đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng nghiên cứu đầu tư DA IEC Quảng Ngãi (tại P.Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi). Quy mô DA có vốn đầu tư 1.078 tỉ đồng (trong đó, vốn tự có 328 tỉ, còn lại vốn vay 750 tỉ đồng); trường học đào tạo từ mầm non đến sau đại học, với 347 lớp học, 10.600 học sinh, sinh viên.
Từ đó, ông Trần Ngọc Căng đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhanh DA, điều chỉnh các quy hoạch đất đai, bổ sung quy hoạch đất, bất chấp các ý kiến góp ý về việc không nên lấy đất công viên cây xanh để thực hiện DA. Đáng nói là ngày 21.4.2017, ông Trần Ngọc Căng từng có Công văn 2297/UBND-CNXD chỉ đạo, yêu cầu Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi “tuyệt đối không tham mưu trình UBND tỉnh chấp thuận đầu tư các DA không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt”.

Cà phê Hương Việt xây trên đất công viên cây xanh, đường Chu Văn An, TP.Quảng Ngãi

Ảnh: Phạm Anh

Ngày 13.9.2017, khi Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi họp các sở, ngành và UBND TP.Quảng Ngãi thẩm định DA IEC Quảng Ngãi, nhiều ý kiến cho rằng công viên cây xanh là đất đã quy hoạch công viên cây xanh, nay phải xây dựng công viên đúng như quy hoạch; TP.Quảng Ngãi ít công viên cây xanh nên khi lấy công viên làm DA, buộc phải hỏi ý kiến người dân...
Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng DA chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của TP.Quảng Ngãi, chưa có trong quy hoạch đất xã hội hóa của tỉnh. Trong khi đó, 9 ha nói trên, QISC đã xây dựng công viên xong và đã bàn giao cho TP.Quảng Ngãi, nên việc lấy đất này làm DA thì phải xác định đúng đối tượng quản lý, sử dụng đất để thu hồi, bàn giao…
Tuy nhiên, bỏ qua những ý kiến trên, ngày 15.9.2017, ông Trần Ngọc Căng ký văn bản, điều chỉnh quy hoạch xây dựng của phân khu đô thị trung tâm TP.Quảng Ngãi để đầu tư DA IEC Quảng Ngãi, điều chỉnh quy hoạch từ công viên cây xanh sang đất giáo dục đào tạo, bổ sung DA này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP.Quảng Ngãi và quy hoạch sử dụng đất dành cho lĩnh vực xã hội hóa giai đoạn 2013 - 2020.
DA IEC Quảng Ngãi khi triển khai thực hiện còn được hưởng nhiều ưu đãi như: hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động xã hội hóa trong suốt thời gian hoạt động, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện DA đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa. Doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian hoạt động của DA và nhiều ưu đãi khác của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Chính vì vậy, dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của DA, thậm chí nhiều người dân bức xúc đặt vấn đề vì sao không duy trì công viên cây xanh để phục vụ đại đa số cộng đồng, mà lại phá nó đi để thực hiện DA IEC Quảng Ngãi?

“Xã hội hóa” cả đất bệnh viện, bảo tàng

Sáng 2.1.2019, hàng trăm bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP.Quảng Ngãi đều bất ngờ vì cổng BV đóng kín. Hỏi ra, người dân mới biết là ông Trần Ngọc Căng đã ký sáp nhập BV này về BVĐK tỉnh Quảng Ngãi từ ngày 1.1.2019. Bất bình trước động thái này, hàng trăm cán bộ, người dân phản đối, đề đạt ý kiến lên các cấp lãnh đạo. Bởi BVĐK TP.Quảng Ngãi lúc này có khoảng 600 - 800 lượt người đến khám chữa bệnh mỗi ngày, công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 80 - 100%. Đây là BV tuyến huyện duy nhất ở tỉnh Quảng Ngãi tự chủ tài chính 100% từ năm 2016. Càng bức xúc hơn khi người dân biết được thông tin việc sáp nhập BVĐK TP.Quảng Ngãi là để lấy đất, hạ tầng BV này để thực hiện “xã hội hóa”, giao đất cho doanh nghiệp làm DA.

Phúc lợi xã hội bị thu hẹp

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng trong lĩnh vực xã hội hóa, gần đây UBND tỉnh Quảng Ngãi có việc làm chưa đúng, không hài lòng người dân. Đó là việc chuyển giao đất công viên, đất công cho doanh nghiệp để làm quán cà phê, xây trường tư, làm BV tư… khiến cho nhu cầu thụ hưởng, phục vụ công cộng, phúc lợi xã hội và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân bị thu hẹp, giảm dần. Việc xây dựng trường học, BV càng nhiều càng tốt nhưng khi được hưởng ưu đãi, xã hội hóa thì trường và BV này liệu có phục vụ đại đa số người dân?
“Chưa hẳn xã hội hóa hết là tốt. Chẳng hạn như cấp đất cho doanh nghiệp làm xã hội hóa thời gian quá dài như vậy (49 năm), khi có việc cần dùng đến đất này thì không có, trong đó có việc tái định cư cho dân khi nhà nước triển khai các công trình công cộng”, ông Sơn nói.
Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có đề án sáp nhập BV từ năm 2016, nhưng hàng trăm cán bộ, nhân viên, đội ngũ y tế BVĐK TP.Quảng Ngãi không hề được hỏi ý kiến. Các sở, ngành cũng có ý kiến quan ngại, nhưng UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn cương quyết thực hiện. Tuy nhiên, do những phản ứng của người dân và ý kiến của Bộ Y tế, nên sau đó ông Trần Ngọc Căng đã ký văn bản tạm ngừng việc sáp nhập BV.
Một DA khác cũng gây bức xúc không kém là DA khu dịch vụ chất lượng cao nằm trong khuôn viên BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, trên đường Lê Hữu Trác - Hồ Đắc Di (TP.Quảng Ngãi). Để triển khai DA, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp 11.000 m2 đất (miễn tiền sử dụng đất 49 năm) cho Công ty TNHH BVĐK quốc tế tỉnh Quảng Ngãi xây BV. Đây là DA “BV tư trong BV công”, vốn đầu tư 1.100 tỉ đồng, xây 14 tầng, 500 giường bệnh nội trú, 40 phòng khám, 10 phòng mổ, trang thiết bị y tế hiện đại... Ngày 24.6.2017, DA này khởi công, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn tất phần cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị y tế và vận hành chính thức. Nhưng đến nay DA chỉ thi công được phần nền và đang bỏ hoang.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có nhiều DA mang danh “xã hội hóa” để giao công viên, đất công cho doanh nghiệp khiến dư luận bức xúc. Điển hình như giao hơn 4.500 m2 đất công viên cây xanh khu vực đường Chu Văn An, P.Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) cho Công ty CP Tiến Hưng xây quán cà phê Hương Việt; giao 5.000 m2 (đều miễn tiền sử dụng đất 49 năm) đất khuôn viên Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi (đường Lê Trung Đình, TP.Quảng Ngãi) cho Công ty CP đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương mở Lava Casa Coffee & Tea và quán cà phê Cổ Mộc. Bất chấp dư luận và báo chí đã lên tiếng, nhưng suốt thời gian qua, các quán cà phê vẫn hoạt động bình thường trên đất công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.