Tại sao cần giãn cơ trước và sau khi tập thể dục?

29/11/2024 05:47 GMT+7

Nhiều người khi vận động thể chất vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc giãn cơ. Theo bác sĩ, bước tập này tuy đơn giản nhưng không nên bỏ qua.

Tránh chấn thương, cải thiện tuần hoàn máu

Anh P.N.A.T (21 tuổi, ngụ TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã tập luyện thể hình hơn 7 năm, chia sẻ: “Khi mới bắt đầu tập, tôi không biết giãn cơ là gì, cứ khởi động sơ sơ rồi tập. Lúc đó chưa thấy tác hại gì hết, nhưng sau này khi các bài tập nặng dần lên, nâng tạ nặng, vận động nhiều… tôi thường xuyên bị chuột rút và chấn thương mức độ nhẹ. Tìm hiểu ra tôi mới biết là do mình không giãn cơ trước và sau các buổi tập”.

Anh N.X.V (21 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM), theo đuổi thói quen tập thể hình hơn 2 năm, cũng gặp hậu quả tương tự khi “chỉ tập đại đại mà không quan trọng giãn cơ”. “Những cơn đau sau tập kéo dài nhiều hơn khi tôi không thực hiện các bài tập giãn cơ. Dù luyện tập đúng động tác, đúng cường độ nhưng vẫn thấy có gì đó không ổn, tự mày mò chỗ này chỗ kia để tham khảo mới biết tới giãn cơ. Sau khi làm theo, các cơn đau sau tập nhanh hết hơn, bữa tập tiếp theo cũng có sức hơn”, anh V. chia sẻ

Tại sao cần giãn cơ trước và sau khi tập thể dục?- Ảnh 1.

Giãn cơ giúp các khớp tăng độ dẻo dai đáng kể

Ảnh: Freepik

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thiện Kim Hữu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết: “Giãn cơ có thể giúp các khớp tăng độ dẻo dai đáng kể, độ linh hoạt của chuyển động được cải thiện, từ đó việc di chuyển trở nên thoải mái hơn mà không còn cảm giác đau nhức cơ trước và sau khi luyện tập. Điều này giảm nguy cơ căng cơ quá mức và giúp tránh chấn thương”.

Ngoài ra, stress mức độ cao có thể khiến cơ bắp căng cứng, đồng thời tạo áp lực không cần thiết lên cơ thể. Khi giãn cơ đúng cách, các bó cơ sẽ được thư giãn và tạo cảm giác dễ chịu hơn. Việc giãn cơ đúng cách còn có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu hiệu quả. Thời gian hồi phục sẽ được rút ngắn khi tăng lượng máu lưu thông đến các cơ bắp, ngăn chặn sự đau nhức và cứng cơ khi tập luyện.

Bỏ qua giãn cơ dễ bị hội chứng cổ-vai-cánh tay

Nếu không được giãn đúng cách, cơ có thể trở nên căng cứng, co rút. Căng cơ vùng cổ cũng là lý do dẫn đến hội chứng cổ-vai-cánh tay, một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ.

Chị Đ.N.G.N (28 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi có tập thể hình nhẹ nhàng tại nhà với tạ và dây kháng lực cũng được 4-5 năm, nhưng 1 năm trở lại đây tần suất giảm đáng kể. Các cơn đau căng cứng ở 2 vai và lưng trên khiến tôi khó ngủ, bất tiện khi làm việc. Tôi đi khám đông y và được chẩn đoán là tắc bó cơ do trước đây vận động nhiều nhưng không giãn cơ đủ và đúng cách”.

“Trong các bệnh lý phần mềm cạnh cột sống, hội chứng cổ-vai-cánh tay xuất phát từ chính bệnh lý căng cơ cổ. Khi đó, cơ vùng cổ co cứng chèn ép các dây thần kinh cổ đi qua gây ra đau cổ và lan ra vai hoặc tay mà không liên quan đến bệnh lý rễ dây thần kinh cổ. Đây là chẩn đoán mà mọi người bệnh gặp phải khi đau cổ do tập không đúng hoặc không tập giãn cơ”, bác sĩ Kim Hữu cho hay.

Tại sao cần giãn cơ trước và sau khi tập thể dục?- Ảnh 2.

Hội chứng cổ-vai-cánh tay xuất phát từ chính bệnh lý căng cơ cổ

Ảnh: Freepik

Các triệu chứng căng cơ cổ có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, bao gồm: Căng cơ, co thắt cơ bắp, tăng độ cứng cơ bắp, khó khăn khi quay đầu theo các hướng nhất định và cơn đau tăng lên ở một số vị trí cụ thể.

Nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm 70-80%) của hội chứng cổ vai cánh tay là do thoái hóa cột sống cổ và các khớp liên đốt, liên mỏm bên dẫn đến hẹp lỗ tiếp hợp và hậu quả là chèn ép rễ hoặc dây thần kinh cột sống cổ tại các lỗ tiếp hợp. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chiếm khoảng 20-25%. Những nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm chấn thương, khối u, nhiễm trùng, loãng xương, bệnh viêm cột sống và các bệnh lý phần mềm cạnh cột sống.

Bên cạnh đó, một vài tác hại khác có thể gặp phải nếu không tuân thủ giãn cơ khi tập luyện là:

Giảm sự linh hoạt: Nếu thiếu giãn cơ, cơ và khớp mất đi sự linh hoạt và phạm vi chuyển động. Điều này có thể hạn chế khả năng thực hiện các động tác hoặc gây khó khăn trong thao tác hằng ngày.

Tăng nguy cơ chấn thương: Khi cơ và khớp không đạt được sự linh hoạt và độ dẻo dai cần thiết, nguy cơ chấn thương trong quá trình tập luyện tăng lên. Các cơ và khớp căng cứng không đủ sự chuẩn bị có thể dẫn đến chấn thương như kéo căng cơ, vấn đề khớp hoặc thậm chí là gãy xương.

Lưu ý khi tập giãn cơ cho người lớn tuổi

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thiện Kim Hữu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, người cao tuổi thể trạng yếu do quá trình lão hóa, có nhiều vấn đề về sức khỏe. Vì thế, việc tập giãn cơ cần cẩn trọng và lưu ý những vấn đề sau:

  • Thực hiện kỹ và đúng các động tác giãn cơ. Tập chậm rãi, không quá 10 lần/1 động tác tập, không tập các bài tập ở vùng cơ thể có bệnh.
  • Chọn thời điểm tập phù hợp, không nên tập thể dục quá sớm vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Nên chọn thời điểm trời râm mát để việc tập luyện đạt hiệu quả cao nhất.
  • Không nên tập khi ăn no hoặc bụng đói.
  • Không nên tập luyện quá sức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.