Tại sao cứ làm quần quật mà cuối năm chẳng dư đồng nào?

14/12/2021 14:20 GMT+7

Câu hỏi mà nhiều người trẻ hỏi nhau và tự chấp vấn chính bản thân mỗi dịp cuối năm. Nhiều bạn làm quần quật nhiều năm trời nhưng chẳng dư đồng nào, một căn nhà lại là điều xa xỉ và thậm chí chẳng mua nổi chiếc xe.

Nhiều người trẻ đi làm quần quật cả năm, cuối năm lại đâu đầu với câu hỏi sao chẳng thấy dư đồng nào?

ẢNH MINH HỌA: HOA NỮ

Bao giờ mới có khoản dư?

Hơn 6 năm đi làm, Trần Thị Minh Thương (29 tuổi, ngụ tại 531 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM) cho biết cả tuổi trẻ chỉ cắm đầu vào công việc, làm quần quật nhưng chẳng dư đồng nào, vẫn ở trọ và muốn mua cái gì lớn tiền một chút như đổi điện thoại, máy tính...cũng đều phải trả góp.

“Nhiều lúc mình cũng tự hỏi, sao làm hoài mà chẳng dư. Nhưng ở Sài Gòn mọi thứ đều đắt đỏ, mỗi tháng tiền trọ, tiền ăn, tiền mỹ phẩm rồi đủ thứ linh tinh khác cũng hết 2 phần tiền lương. Mỗi tháng dư đâu 2-3 triệu, mà khi có những thứ phát sinh như đám cưới, sinh nhật rồi tiệc tùng bạn bè, hay gửi về nhà phụ gia đình thì lại sạch túi”, Thương than vãn.

Thương bày tỏ thêm: “Nhiều khi mình nghĩ nếu lỡ chẳng may có chuyện gì cần khoản tiền lớn thì không biết đào đâu ra. Lúc trước mình cũng đã cố gắng tiết kiệm nhưng năm Covid-19 vừa rồi, thất nghiệp nên phải lấy luôn tiền để dành ra tiêu, thế là sạch sành sanh”.

Bạn trẻ nào cũng mong cố dành dụm để có khoản dư và tết về còn có quà hiếu kính với gia đình, nhưng năm nào cũng đến cuối năm là "sạch túi"

ẢNH MINH HỌA: KHẢ HÒA

Câu chuyện của Phan Thị Dung (28 tuổi, ngụ tại 47 Lạc Long Quân, TP. Nha Trang) cũng không khá hơn là bao. Dung cho biết cô đi làm 5 năm rồi mà tiền để mua chiếc xe mới cũng không có.

“Bao năm đi xe gắn máy cũ vì tôi cứ nghĩ đâu cần gì đến xe mới. Đến lúc xe hư và sửa hoài vẫn hư, tôi mới nghĩ đến việc phải đổi xe, nhưng nhìn lại tài khoản chẳng có dư đồng nào để mà mua. Nghĩ mà buồn gì đâu”, Dung tâm sự.

Dung cũng cho biết thật ra không phải là đi làm mà không có tiền, nhưng gần như 2 năm nay, thu nhập của Dung có bao nhiêu đều dùng chi tiêu cho cá nhân và giúp đỡ gia đình, do gia đình ở quê có đến 2 người mất việc vì dịch Covid-19.

“Công việc của mình làm ở cơ quan nhà nước, mức thu nhập năm 2021 vẫn y hệt năm 2020 nhưng giá cả vật chất trong cuộc sống lại tăng gần như gấp rưỡi. Mình cũng cố sắp xếp lại việc chi tiêu nhằm mong muốn cuối năm dư giả ít tiền về quê, hiếu kính với bố mẹ mà trong dịch, tiền ăn tăng, tiền mỹ phẩm tăng, tiền tàu xe tăng, tiền giúp đỡ em út trong gia đình cũng tăng nữa, thực sự là không thể dư nổi đồng nào”, Dung tâm tư.

Làm thế nào để chi tiêu hợp lý?

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp, giảng dạy tại Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, thì nguyên nhân đầu tiên của tình trạng “cháy túi” thường xuyên của người trẻ là do sự phóng khoáng quá đà, sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm dịch vụ từ trung đến cao cấp. Thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ Việt hiện hiện nay ưa chuộng lối sống này nhưng lại bỏ ngỏ việc dự phòng tài chính với tài khoản tiết kiệm gần như không có, chi phí đầu tư là 0 đồng, trong khi con số nợ tín dụng ở mức từ vài triệu đến chục triệu hàng tháng.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp

Cũng theo chị Hồng Điệp, do yếu tố xã hội tác động, chúng ta sống trong thời đại 4.0 rất phát triển về công nghệ, đặc biệt là các app mua sắm. Thậm chí, mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều có app tiện ích để mọi người sử dụng. Chính vì thế, giới trẻ dù làm việc quần quật cả năm nhưng cuối cùng vẫn không dư đồng nào, tài khoản tiết kiệm gần như bằng 0, đơn giản vì họ bị chi phối và cuốn theo những cám dỗ rất hấp dẫn của xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, người trẻ Việt dù hoạch định khá tốt nhưng lại hạn chế kỹ năng quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính.

Chị Hồng Điệp khuyên mỗi bạn trẻ nên tự hình thành thói quen và sự nhận thức về việc chi tiêu tiền bạc vào những việc quan trọng, hợp lý. Đồng thời, phải biết lên kế hoạch dự phòng tài chính cho bản thân trong thời gian ngắn hạn và dài hạn.

“Tốt nhất các bạn nên hạn chế suy nghĩ cho rằng: vừa làm và vừa hưởng thụ thì cuộc đời mới vui vì đời người chỉ có một lần. Nếu mình tiêu tiền cho nhu cầu của bản thân thì sẽ là động lực để kiếm nhiều tiền. Do suy nghĩ đó mà phần lớn giới trẻ sử dụng tiền lương của mình hàng tháng để mua trang phục, trang sức, mỹ phẩm, nước hoa…một cách quá đà”, chị Điệp gửi gắm.

Người trẻ cần trang bị kỹ năng quản lý chi tiêu cá nhân và kỹ năng đầu tư tài chính, để có thể tiết kiệm cho mình một khoản dư

ẢNH MINH HỌA: KHẢ HÒA

Chị Điệp lưu ý các bạn trẻ phải có thói quen thiết lập nhật ký chi tiêu, ngay từ lúc mới kiếm ra tiền, cần ghi lại số tiền mình kiếm được trong một tháng, số tiền chi tiêu theo ngày, tuần. Sau mỗi tuần hoặc tháng, bạn cần xem lại để những tháng sau cân nhắc việc thu - chi cũng như bỏ ra một số tiền nhỏ để tiết kiệm. Quyển nhật ký này sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận thói quen sử dụng đồng tiền hàng ngày một cách chi tiết nhất.

Một giải pháp nữa theo chị Điệp là nên hạn chế mua sắm. Vì hiện nay không ít người chọn mua sắm là cách giải tỏa căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Thậm chí, nhiều bạn trẻ “nghiện” mua sắm, dẫn tới chi tiêu quá độ, thậm chí mắc nợ.

“Bên cạnh đó, thay vì tiêu tiền, giới trẻ nên tham gia đầu tư sớm, bởi đầu tư cần thời gian. Nếu có tư duy quản lý tài chính và đầu tư ngay từ khi kiếm được những đồng lương đầu tiên, giới trẻ chắc chắn sẽ an nhàn khi hưu trí. Chỉ cần tư duy nhạy bén và biết cách nắm bắt mọi cơ hội tiềm năng, chắc chắn mỗi năm các bạn trẻ sẽ có một khoản tiền tiết kiệm trong khả năng của bản thân”, thạc sĩ tâm lý Hồng Điệp cho lời khuyên để người trẻ cuối năm không còn than vãn tại sao cứ làm quần quật mà không dư đồng nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.