‘Tại sao cùng đi làm về mà mẹ phải làm việc nhà còn bố thì không?’

15/06/2022 17:11 GMT+7

Trong quá trình “hướng dẫn xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng”, nhà trường đã nhận được câu hỏi của một học sinh lớp 7: “Tại sao cùng đi làm về mà mẹ phải làm việc nhà còn bố thì không ”?

Trong 2 ngày 13 - 14.6, tại Hà Nội, hơn 60 nhà quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ tâm lý học đường, nhân viên công tác xã hội trường học ở 6 tỉnh, thành thuộc miền Bắc, gồm: Hà Nội, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Nam Định, đã được tập huấn nâng cao hiểu biết về các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại học đường và các kỹ năng xây dựng mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng trong trường học, góp phần tạo môi trường học đường an toàn, thân thiện.

Tập huấn nâng cao hiểu biết về các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại học đường và các kỹ năng xây dựng mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng trong trường học

t.n

Tại tập huấn, các học viên là cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ tâm lý học đường, cán bộ công tác xã hội trường học đã chia sẻ kinh nghiệm, cùng lập kế hoạch chi tiết và cam kết sẽ triển khai trong năm học 2022 - 2023 và tham gia mạng lưới các trường thực hiện bộ tài liệu để cùng nhau lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với nhiều nhà trường ở Việt Nam.

Khóa tập huấn nhằm nhân rộng việc sử dụng bộ tài liệu quốc tế “Connect with Respect - hướng dẫn xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng” trong trường học dành cho học sinh từ 11 đến 14 tuổi.

Sau 2 năm (2018 - 2020) thử nghiệm thành công ở Việt Nam, bộ tài liệu đã được Bộ GD-ĐT chuẩn hóa, thẩm định và là tài liệu tham khảo, có thể triển khai trong trường học trên phạm vi toàn quốc, hướng đến hàng triệu học sinh ở độ tuổi dậy thì.

Tại buổi tập huấn, bà Đoàn Thị Hải Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội), chia sẻ kinh nghiệm sau quá trình triển khai bộ tài liệu trong nhà trường và cho rằng kênh truyền thông rất hiệu quả chính là học sinh.

Có học sinh của lớp 7C đã đặt câu hỏi: “Tại sao cùng đi làm về mà mẹ phải làm việc nhà còn bố thì không?”. Theo bà Quỳnh, các cuộc họp phụ huynh cũng vậy, phần lớn là các bà mẹ thường đi họp, rất ít ỏi các ông bố.

Các em học sinh sau khi được tiếp cận và giáo dục về xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng sẽ góp phần truyền thông ngược lại tới phụ huynh, tới người lớn. “Chỉ một câu hỏi tưởng như đơn giản của con trẻ thôi cũng khiến các ông bố cũng phải suy nghĩ và nhìn lại sự bình đẳng trong chia sẻ việc nhà, làm gương cho các con”, bà Quỳnh chia sẻ.

Tuy nhiên, một số trường cũng chỉ ra rằng, năm học vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng, thực hành, trải nghiệm bị hạn chế rất nhiều do hình thức dạy học trực tuyến. Hy vọng từ năm học tới học sinh được học trực tiếp, việc truyền thông và trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng sẽ hiệu quả hơn.

Phát biểu tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Các nhà quản lý giáo dục, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hướng dẫn học sinh nâng cao hiểu biết về các vấn đề giới, giới tính và xây dựng mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng, không bạo lực tại trường học cũng như trong cuộc sống hàng ngày”.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

BTC

Ông Hoàng Kiều, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng và giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp, Sở GD- ĐT Hòa Bình, đại diện các học viên, nhận xét: “Bản thân tôi tin tưởng rằng, sau khi tham dự khóa tập huấn này, các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên công tác xã hội và tâm lý học đường sẽ có một công cụ hữu ích để áp dụng vào công việc của bản thân một cách linh hoạt và hiệu quả”.

Bộ công cụ hướng dẫn xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học chỉ ra rằng: “Học sinh sẽ học tập hiệu quả nhất ở những ngôi trường an toàn và được cung cấp các hoạt động hỗ trợ xã hội. Tuy nhiên, thực tế là nhiều em đã bị bạo lực và quấy rối ngay trong khuôn viên trường, xung quanh trường, hoặc trên đường tới trường. Tình trạng này bao gồm các hành vi bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực giới), biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau”.

Bạo lực giới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm lý của trẻ em trai, trẻ em gái và các em chuyển giới. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em gái bị bạo lực dễ rơi vào trầm cảm hoặc cảm thấy lo lắng, trong khi trẻ em trai thường có thái độ hung hăng, lạm dụng chất kích thích hoặc có các vấn đề về hành xử mang tính gây hấn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.