Cô Masami Nozawa, một bà vợ nội trợ 35 tuổi, kiểm soát hết mọi chi tiêu, tiền bạc trong gia đình và chỉ đưa cho Yoshihiro 30.000 yen (381 USD) tiền mặt để anh dằn túi mỗi tháng, theo tin tức từ BBC.
Mặc dù là trụ cột chính trong gia đình, nhưng số tiền vợ đưa cho là tất cả những gì anh Yoshihiro có để xài trong vòng 30 ngày.
“5 hôm cuối cùng trước ngày 15 hằng tháng là những ngày cay đắng nhất”, BBC dẫn lời Yoshihiro.
Vợ chồng Yoshihiro có hai đứa con, Rino (6 tuổi) và Ren (8 tuổi), và đây cũng là lý do mà cô vợ Masami quyết định chỉ đưa cho chồng một số tiền cố định hằng tháng.
Theo BBC, số tiền 381 USD chỉ đủ cho gia đình 4 người của anh Yoshihiro đi chơi một ngày tại công viên Disneyland ở thủ đô Tokyo, thế mà anh phải tiêu số tiền này trong vòng 1 tháng.
“Tôi bắt đầu quán xuyến chi tiêu gia đình kể từ khi trở thành người vợ nội trợ và sinh con. Bỗng dưng tôi phát hiện gia đình chúng tôi chỉ có một nguồn thu chính từ chồng, trong khi học phí, tiền học thêm cho bọn nhỏ ngày càng tăng”, Masami tâm sự.
|
Masami đã cố gắng thuyết phục chồng giao hết tiền lương trong tài khoản ngân hàng để cô quản lý và Yoshihiro cũng gật đầu đồng ý, nhưng cho rằng 30.000 yen không đủ tiêu vặt khi sống, làm việc tại Tokyo.
“Thế là mỗi ngày vợ tôi đều thức dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng và hộp đồ ăn trưa cho tôi mang theo đến công sở nhằm đảm bảo số tiền bỏ túi cho tôi là đủ”, theo Yoshihiro.
Mỗi buổi trưa, Yoshihiro ăn một mình với hộp đồ ăn của vợ chuẩn bị tại một công viên gần văn phòng làm việc. Thứ xa xỉ nhất mà anh mua hằng tháng là thuốc lá, chiếm 1/3 số tiền vợ cấp cho (khoảng 10.000 yen), số còn lại chi hết cho nước uống và rượu bia.
“Tôi nghĩ đã đến lúc phải bỏ thuốc lá vì mọi thứ đều tăng giá”, Yoshihiro nói.
Yoshihiro có thể phải ăn cơm trưa do vợ nấu một mình tại công viên dài dài, và trường hợp của anh không phải “độc nhất vô nhị”.
Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Softbrain Field, 74% chi tiêu gia đình do phụ nữ kiểm soát bao gồm cả các cặp vợ chồng có con và không con.
Trường hợp khác, ông Taisaku Kubo, một kiến trúc sư 47 tuổi, được vợ đưa cho 50.000 yen (641 USD) mỗi tháng suốt 15 năm qua.
Theo BBC, ông Taisaku thường xuyên thương lượng với vợ để tăng tiền bỏ túi, nhưng cứ mỗi lần nói đến là bà vợ lại bắt đầu “thuyết giảng” và nói “không”.
Ông Taisaku kể lại: “Vợ tôi vẽ một biểu đồ tròn về chi tiêu gia đình lên giấy rồi bắt đầu giảng giải cho tôi vì sao không thể lấy thêm tiền bỏ túi nữa”. Và lần nào ông cũng đầu hàng chịu thua.
|
Bà Yuriko cho biết: “Chúng tôi không có con, vì thế chúng tôi phải đảm bảo có đủ tiền chi tiêu khi chồng về hưu”.
“Tôi đã từ bỏ hết nhiều đam mê như xe hơi, xe mô tô và những thú vui đắt đỏ khác”, Taisaku cười và nói. Nhưng số tiền bỏ túi của ông Taisaku (50.000 yen) còn cao hơn mức trung bình trên toàn nước Nhật.
Ngày nay, theo BBC, các bà đi làm nếu không chuẩn bị những hộp đồ ăn thì cố gắng “thắt lưng buộc bụng”, chỉ chi 500 yen (6,5 USD) để ăn trưa.
Mỗi nơi ở Nhật có tiêu chuẩn và giá cả thức ăn khác nhau, nhưng nói chung, theo BBC, thì 500 yen chỉ đủ cho một tô mì hoặc một bánh burger, chưa tính nước uống.
“Tôi không nghĩ rằng tất cả đàn ông Nhật vui vẻ giao hết tiền lương cho vợ. Nhưng họ cảm thấy đó là trách nhiệm của trụ cột gia đình, thậm chí họ phải chịu đựng thiếu thốn một chút”, BBC dẫn lời chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Takao Maekawa của công ty FeelWorks ở Nhật Bản.
Theo truyền thống trước đây thì đàn ông Nhật thường ra ngoài làm việc kiếm tiền và để vợ ở nhà chăm sóc nhà cửa bếp núc, nhưng thời nay đa số các cặp vợ chồng cùng đi làm để có thêm thu nhập.
“Thật ra chồng tôi từng cố gắng quản lý chi tiêu gia đình, nhưng anh ấy cho rằng việc này quá mất thời gian nên giao lại cho tôi”, Masami cho biết.
|
Anh chồng Yoshihiro đồng tình cho biết: “Tôi biết rõ tôi kiếm được bao nhiêu tiền hằng tháng. Tôi cũng hiểu phân chia thu nhập để chi tiêu trong gia đình là rất khó đối với người đàn ông. Mặc dù tôi biết tôi được tăng lương, nhưng cũng không quá hy vọng vợ sẽ tăng thêm tiền bỏ túi cho tôi”.
Phúc Duy
>> Bữa ăn gia đình thời hiện đại
>> Thực đơn gia đình... nghèo
>> Gia đình có ích cho sự nghiệp của phái yếu
>> Thảm kịch gia đình
Bình luận (0)