Thế nhưng các cá nhân, doanh nghiệp có thực sự được thuê mua nhà, đất với giá rẻ hay không lại là vấn đề cần được làm rõ.
Từ năm ngoái đến năm nay, TP.HCM trải qua vài cơn sốt, đẩy giá đất lên cao, đặc biệt là ở các quận vùng ven. Giờ mà đến các quận huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Q.9... đất nông nghiệp, còn đầy sình lầy cũng được giao dịch với giá rất cao. Ấy vậy mà ngay Q.7, giá đất Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cách đây chưa đầy một năm chỉ 1,29 triệu đồng/m2. Đây là mức giá không rẻ mà là... rẻ không tưởng - nếu đem so sánh với giá đất tương tự xung quanh khu vực này và giá đất nông nghiệp trên địa bàn TP thời điểm chuyển nhượng.
tin liên quan
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu làm rõ vụ bán đất công sản không qua đấu giáCâu hỏi đặt ra là, tại sao đất công lại được bán, cho thuê với giá rẻ như vậy? Có phải bên cho thuê - mua nhà đất công sản bị "hớ" hay không? Có thể nói thẳng, chẳng có ai bị hớ ở đây cả. Vì nếu là đất tư, nhà của cá nhân... chắc chắn không ai sang nhượng, cho thuê với giá bằng một nửa, thậm chí 1/4, 1/5 giá thị trường? Vậy nếu không bị hớ, phần chênh lệch chảy đi đâu? Thực tế, việc thuê - mua đất công “2 giá” chẳng phải chuyện xa lạ với nhiều người. Giá chính thức trên hợp đồng với nhà nước rất rẻ, nhưng giá giao dịch thực sự thường được thỏa thuận riêng. Kiểu tôi để cho anh giá mềm hơn thị trường một tí, phần chênh lệch anh đưa tôi, đôi bên cùng có lợi. Dư luận đã không ít lần ngạc nhiên khi thấy nhà, đất công nằm ở vị trí đắc địa nhưng được cho thuê với giá rẻ mạt. Nhưng giá thực sự hoàn toàn không rẻ như vậy. Chỉ là phần “lại quả” chảy vào túi riêng của một số người thay vì chảy vào ngân sách. Kiểu “làm ăn” này không chỉ khiến nhà nước thất thu, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch mà ngay chính các doanh nghiệp thuê - mua tài sản công cũng bị đẩy vào thế rủi ro.
Bình luận (0)