THÀNH TÍCH ĐỂ ĐỜI CỦA Nguyễn Thị Oanh
"Cô bé hạt tiêu" quê Bắc Giang bước vào tranh tài nội dung 10.000 m nữ với phong thái đầy tự tin. Khi trọng tài rung chuông báo hiệu bước vào vòng đua cuối (còn 400 m), cô gái vàng điền kinh VN tăng tốc, một mình về đích, bỏ xa đồng đội Phạm Thị Hồng Lệ (HCB) và Odekta Elvina (Indonesia, HCĐ). Đáng chú ý, Odekta Elvina là VĐV vừa đoạt HCV nội dung marathon diễn ra ở Siem Riep và cũng có sự đeo bám quyết liệt với Nguyễn Thị Oanh ở chung kết 10.000 m. Tuy nhiên chia sẻ sau khi về đích, đối thủ thừa nhận sức mạnh của cô gái vàng điền kinh VN ở khả năng bứt phá tốc độ ở thời điểm quyết định.
Không thể đòi hỏi Nguyễn Thị Oanh đột phá về thông số thành tích ở SEA Games 32 bởi cô phải tranh tài đến 4 nội dung cá nhân tại đại hội, trong đó có 2 nội dung thi đấu cách nhau chưa đầy 30 phút. Vì thế việc Oanh mang về 4 HCV cho điền kinh VN ở SEA Games 32 đã là kỳ tích. Cô cũng là VĐV đoạt nhiều HCV nhất ở môn điền kinh tại SEA Games lần này. HLV Trần Văn Sỹ cho biết việc sắp xếp Oanh thi đấu 4 nội dung ở SEA Games 32 nằm trong tính toán của ban huấn luyện và khả năng của VĐV. Sau SEA Games 32, Oanh sẽ chú trọng trở lại ở nội dung sở trường 3.000 m vượt chướng ngại vật là nội dung mũi nhọn để "tấn công" vào đấu trường ASIAD.
Nguyễn Thị Oanh tạo kỳ tích lịch sử, giành HCV thứ 4 tại SEA Games 32
NHỮNG NGUYÊN NHÂN THỤT LÙI
Tuy bùng nổ với thành tích của Nguyễn Thị Oanh nhưng SEA Games 32 chưa thể xem là thành công với điền kinh VN. Sau thời gian dài để Thái Lan thống trị, điền kinh VN lật đổ đối thủ ở SEA Gamse 29 (năm 2017) rồi thống trị liên tiếp hai kỳ SEA Game 30 (năm 2019), SEA Games 31 (2022). Tuy nhiên ở SEA Games 32, đội tuyển điền kinh VN chỉ đoạt tổng cộng 12 HCV, trong khi Thái Lan đoạt 16 HCV, lấy lại ngôi vị số 1 khu vực ở môn thể thao nữ hoàng.
Có nhiều nguyên do dẫn đến việc điền kinh VN đánh mất vị thế dẫn đầu. Đầu tiên là hàng loạt gương mặt chủ lực như Quách Thị Lan, Vũ Thị Ngọc Hà không tham dự SEA Games 32 vì dương tính với chất cấm ở SEA Games 31. Tiếp đến là ĐKVĐ nội dung 5.000 m nam, 10.000 m nam Nguyễn Văn Lai giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Ngoài ra các nhà ĐKVĐ như Hoàng Nguyên Thanh (marathon), Võ Xuân Vĩnh (đi bộ nam), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa), Lương Đức Phước (1.500 m nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao), Phạm Thị Diễm (nhảy cao) thi đấu không như mong đợi, không bảo vệ được HCV. Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt tại Campuchia cũng là trở lại khiến các tuyển thủ điền kinh VN không thể có được trạng thái thi đấu tốt nhất. Ngoài Thái Lan thì sự vươn lên mạnh mẽ của điền kinh Indonesia khi đoạt 7 HCV so với 2 HCV ở kỳ SEA Games trước cũng khiến một số nội dung của VN bị lật đổ.
Hy vọng bước lùi về mặt thành tích ở SEA Games 32 sẽ giúp điền kinh VN có sự cân chỉnh, đầu tư tốt hơn để bùng nổ ở SEA Games 33 diễn ra năm 2025.
Nguyễn Thị Huyền cùng đồng đội lần thứ tư thống trị đường chạy tiếp sức 400 m SEA Games
Bình luận (0)