Tại sao Hàn Quốc lại có nhiều người mang họ Kim như vậy? Đó là một quá trình lịch sử đặc thù của nước này và bán đảo Triều Tiên.
Ngôi sao giải trí Hàn Quốc Kim Tae-hee, một trong số rất nhiều người mang họ Kim tại nước này - Ảnh: Reuters |
Trong một hội nghị thượng đỉnh vào năm 2000, Tổng thống Hàn Quốc khi ấy, Kim Dae-jung đã gặp gỡ Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (cha của Lãnh đạo Kim Jong-un hiện tại). Họ đã nói đùa về việc dùng chung họ nhưng không cùng gia tộc của mình.
“Chúng tôi thực sự là một gia đình và cuối cùng đã hội ngộ”, hãng tin AP ngày 29.11 dẫn lại phát biểu của ông Kim Jong-il năm 2000.
Câu chuyện ngắn trên là một minh chứng cho sự phổ biến của họ Kim tại Hàn Quốc và bán đảo Triều Tiên nói chung. Ở Hàn Quốc có một câu nói rằng, nếu đứng tại đỉnh núi Namsan (thủ đô Seoul) và ném một hòn đá xuống, nếu không trúng người họ Lee cũng trúng người họ Kim.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye - Ảnh: Reuters
|
Tại Hàn Quốc, ba họ Lee, Kim và Park được xem là phổ biến nhất. Đây chính là nét đặc thù từ lịch sử của nước này, và tất cả những người cùng họ cũng chưa chắc cùng gia tộc với nhau, dù cũng xuất phát từ cùng một làng gia tộc. Trong đó, ước tính có tới 20% số họ ở Hàn Quốc là Kim. Điều này khó xuất hiện ở những nước "bách gia" như 100 họ điển hình của Trung Quốc hay nước Nhật, nơi có hàng trăm ngàn họ khác nhau.
Cũng như các gia tộc khác, họ Kim ở thành phố Nonsan là nơi ông Kim Sun Won sinh sống. AP dẫn lời ông Kim cho biết hiện tại chỉ còn vài chục hoặc 100 hộ họ Kim trong gia tộc này, nhưng trước kia có tới vài trăm hộ. Đa phần những người thuộc tầng lớp sau đều bị sức ảnh hưởng của xã hội hiện đại Hàn Quốc cuốn hút và chuyển đi nơi khác sinh sống, làm việc.
Những gia tộc như vậy đã tồn tại từ cuối triều đại Joseon (1392 - 1910), thời điểm có sự thay đổi lớn về tên họ ở Triều Tiên cũ.
Trước đó, không giống như các nước khác, Hàn Quốc đặc biệt hiếm các tên họ. Xã hội phong kiến chỉ cho phép những tầng lớp vua chúa, quý tộc được sở hữu tên họ, còn nô lệ và những người bên lề xã hội như đồ tể, pháp sư, kỹ nữ hay thợ thủ công đều không có.
Chính vì vậy, các họ như Kim, Park, Lee đều là danh gia vọng tộc, lấy theo tên họ những người có công trạng với đất nước, và từ đó hình thành những ngôi làng gia tộc như hiện nay vẫn còn, AP cho biết.
Đến cuối thế kỷ thứ 18, một số luật lệ, quy định nới lỏng cho phép nhiều người có thể dùng tiền để mua... cái họ của mình, ghép vào gia phả (jokbos) các dòng họ quyền quý.
Vì những cái họ quá phổ biến dễ dẫn tới nhầm lẫn, những ngôi sao giải trí Hàn Quốc như Park Jae-jang hầu hết đều phải tìm nghệ danh, và rõ ràng cái tên PSY của anh dễ nhớ hơn nhiều - Ảnh: Reuters
|
Và khi Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên vào đầu thế kỷ 20, họ buộc nơi đây phải xưng tên rõ ràng. Đó là lý do một số họ phổ biến (tất nhiên “buộc phải phổ biến”) như Kim, Park hay Lee càng trở thành sự lựa chọn.
Điều này giải thích tại sao rất nhiều người cùng họ nhưng không hề cùng huyết thống hay dính dáng với nhau. Để phân biệt, người Hàn Quốc thường gán thêm tên địa danh quê cha đất tổ (bongwans) vào họ của mình. Ví dụ, ông Kim Sun Won là người thuộc Gwangsan Kim, theo tên một thị trấn miền nam nơi được cho là tổ tiên của ông. Mặc dù vậy, tất cả những địa danh gán thêm đều không được đề cập, ngoại trừ trong giấy tờ chính thức.
Như vậy, từ việc khan hiếm những người có họ, cho tới việc nhiều nô lệ và tầng lớp bậc thấp mua được cái họ của mình thông qua gian lận về jokbos, các họ của Hàn Quốc thường không dính dáng với nhau hoặc không thừa nhận nhau.
Bình luận (0)